Mô hình nhượng quyền là gì? Bạn phù hợp với mô hình nào?

Nhượng quyền thương mại chắc hẳn không còn là khái niệm xa lạ trong thời buổi kinh doanh hiện nay, đặc biệt khi ngày càng nhiều người muốn khởi nghiệp từ một thương hiệu có sẵn, thay vì phải xây dựng lại từ đầu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng rõ bản chất của các mô hình nhượng quyền hiện có và đâu là hình thức phù hợp nhất với mục tiêu và lĩnh vực kinh doanh của mình. Đừng lo, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ mô hình nhượng quyền kinh doanh là gì và biết được mô hình nhượng quyền nào phù hợp với bạn nhất.

1. Mô hình nhượng quyền là gì?

Mô hình nhượng quyền là mô loại hình kinh doanh mà, trong đó có một bên gọi là bên nhượng quyền sẽ cho phép bên khác (bên nhận quyền) được sử dụng thương hiệu/ hệ thống vận hành/ sản phẩm/ dịch vụ/ bí quyết kinh doanh hoặc tất cả các yếu tố trên để mở rộng hoạt động tại một khu vực cụ thể. Đổi lại, bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyềntuân theo quy định, tiêu chuẩn vận hành của thương hiệu mẹ.

Nói một cách đơn giản, mô hình nhượng quyền là khi bạn “kinh doanh thương hiệu của người khác” nhưng vẫn sở hữu cửa hàng riêng, mức độ uy tín và mô hình kinh doanh đã được chứng minh hiệu quả trước đó.

mô hình nhượng quyền là gì
Khái niệm về mô hình nhượng quyền

Ví dụ: Highlands Coffee - Một thương hiệu cà phê nổi tiếng tại Việt Nam, Highlands phát triển theo mô hình nhượng quyền, cho phép các nhà đầu tư mở cửa hàng mang tên Highlands, sử dụng toàn bộ quy trình pha chế, thiết kế không gian và chiến lược marketing của công ty mẹ.

Xem thêm: Kinh nghiệm và điều kiện nhượng quyền Highlands cho người mới bắt đầu

2. Các mô hình nhượng quyền phổ biến hiện nay

Dưới đây là các mô hình nhượng quyền thương mại được phân loại theo 3 tiêu chí phổ biến và dễ hiểu cho người kinh doanh, giúp bạn nắm rõ sự giống và khác nhau:

2.1 Theo mức độ toàn diện của mô hình nhượng quyền

2.1.1 Nhượng quyền toàn diện

KFC là mô hình nhượng quyền toàn diện
KFC là thương hiệu theo đuổi mô hình nhượng quyền toàn diện

Mô hình nhượng quyền toàn diện là hình thức phổ biến nhất hiện nay. Với mô hình này, bên nhận quyền được sử dụng thương hiệu và được chuyển giao toàn bộ hệ thống vận hành, từ quy trình kinh doanh, công thức sản phẩm, quản lý nhân sự, đến marketing và đào tạo. Nhượng quyền toàn diện là mô hình chuẩn hóa và được áp dụng nhiều nhất trong ngành F&B.

Ví dụ: Highlands Coffee, KFC, The Coffee House…

Ưu điểm: Nhượng quyền toàn diện giúp nhà bán hàng rút ngắn được thời gian xây dựng hệ thống và nhận được hỗ trợ toàn diện từ bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền có thể dễ dàng nhân rộng hệ thống một cách nhanh chóng mà vẫn đồng bộ được hệ thống thương hiệu.

Nhược điểm: Chi phí để đầu tư mô hình nhượng quyền này cao hơn các hình thức khác, bao gồm phí nhượng quyền và vận hành. Ngoài ra, bên nhận quyền cần phải trả một khoản phí thường niên là phần trăm hoa hồng doanh thu cho thương hiệu mẹ. Ngoài chi phí cao, một hạn chế khác của bên nhận quyền đối với mô hình nhượng quyền này, đó là quyền tự chủ kinh doanh không cao. Bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn từ A-Z của hệ thống nhượng quyền.

Phù hợp với ai: Mô hình kinh doanh nhượng quyền này phù hợp với những người mới khởi nghiệp, có nguồn vốn lớn nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm về vận hành. Đối với các nhà đầu tư không muốn xây dựng lại danh tiếng từ đầu mà vẫn đông khách, hạn chế rủi ro, thì đây cũng là một loại hình kinh doanh phù hợp.

Quản lý quán cafe, trà sữa, trà chanh chuyên nghiệp với phần mềm quản lý dịch vụ ăn uống Sapo
arrow Dùng thử miễn phí

2.1.2 Nhượng quyền không toàn diện

Nhượng quyền không toàn diện là mô hình kinh doanh nhượng quyền mà bên nhận quyền chỉ được sử dụng một phần như thương hiệu, sản phẩm hoặc công nghệ…không bao gồm toàn bộ hệ thống vận hành. Khi kinh doanh nhượng quyền không toàn diện, bạn có thể tự quản lý kinh doanh theo cách riêng của mình.

Ưu điểm: Nhượng quyền không toàn diện tốn ít chi phí hơn, so với mô hình nhượng quyền toàn diện. Chưa kể, mô hình kinh doanh này còn linh hoạt hơn vì không cần tuân thủ từ A-Z theo thương hiệu mẹ. Từ đó, chủ cửa hàng có thể tự chủ cao hơn trong việc vận hành.

Nhược điểm: Tuy vậy, vì nhượng quyền không toàn diện ít được hỗ trợ từ bên nhượng quyền, nên hiệu quả của việc kinh doanh phụ thuộc nhiều vào năng lực của bạn. Có thể nói, mô hình này cũng có phần rủi ro hơn so với nhượng quyền toàn phần.

Phù hợp với ai: Nhượng quyền không toàn phần phù hợp với chủ doanh nghiệp đã có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng muốn tận dụng các thương hiệu hoặc sản phẩm có sẵn để không cần mất công xây dựng lại thương hiệu từ đầu.

2.2 Theo mức độ tham gia quản lý và đầu tư

2.2.1 Nhượng quyền có tham gia quản lý

nhượng quyền có tham gia quản lý
Các chuỗi khách sạn lớn thường theo mô hình nhượng quyền có tham gia quản lý

Nhượng quyền có tham gia quản lý nghĩa là bên nhượng quyền chuyển nhượng thương hiệu, mô hình kinh doanh và cung cấp luôn cả đội ngũ quản lý và vận hành cho bên nhận quyền.

Ví dụ: Nhiều chuỗi khách sạn quốc tế như Marriott, InterContinental thường có các công ty quản lý bản địa để vận hành khách sạn thay vì tự điều hành.

Ưu điểm

  • Bên nhận quyền không cần có kinh nghiệm quá chuyên sâu về ngành, vì đã có đội ngũ nhượng quyền chuyên nghiệp đảm nhiệm toàn bộ quy trình. Từ đó cũng giảm được rủi ro vận hành ban đầu.
  • Tiết kiệm thời gian và công sức: Nhà đầu tư có thể kinh doanh mà không cần trực tiếp vận hành hay xử lý các vấn đề hàng ngày. Điều này rất có lợi cho những người đang đầu tư đa ngành.
  • Đảm bảo được đồng nhất về thương hiệu: Mọi khâu về dịch vụ, sản phẩm đến marketing đều do bên nhượng quyền triển khai, điều này đảm bảo đồng bộ so với hệ thống ngay từ ban đầu.

Nhược điểm: Bên cạnh những ưu điểm, mô hình này cũng còn tồn tại một số hạn chế. Với mô hình nhượng quyền có tham gia quản lý bạn sẽ phải trả phí cao hơn, làm giảm lợi nhuận thực nhận. Bạn còn không có quyền chủ động và đưa ra quyết định trong việc vận hành. Nếu bạn không hài lòng với cách quản lý của thương hiệu, không dễ để thay đổi điều đó. Nhưng trên hết, khi kinh doanh mô hình nhượng quyền này, bạn sẽ thiếu đi khả năng học hỏi thực tế vì không trực tiếp tham gia vào vận hành.

Phù hợp với ai: Mô hình này phù hợp với những nhà đầu tư có tài chính tốt, muốn sinh lời từ mô hình kinh doanh hiệu quả mà không cần can thiệp vào vận hành. Hoặc nhà đầu tư, cá nhân hoặc tổ chức muốn mở rộng danh mục đầu tư vào các ngành khác nhưng không muốn xây dựng đội ngũ riêng.

2.2.2 Nhượng quyền có tham gia góp vốn

nhượng quyền có góp vốn
Five Star là thương hiệu nhượng quyền có tham gia góp vốn

Đây là mô hình nhượng quyền mà bên nhượng quyền và bên nhận quyền cùng hợp tác đầu tư, cùng bỏ vốn và cùng chia sẻ quyền sở hữu, hoạt động và lợi nhuận. Khác với mô hình  nhượng quyền truyền thống, mô hình góp vốn này thường có sự tham gia hợp tác chiến lược sâu hơn.

Ví dụ: Một thương hiệu F&B quốc tế muốn thâm nhập thị trường Việt Nam nhưng không muốn mất kiểm soát - sẽ chọn một đối tác bản địa để cùng đầu tư 50-50 mở chi nhánh đầu tiên.

Ưu điểm: Mô hình này hoạt động trên tiêu chí cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận, vì vậy, khi có vấn đề phát sinh, cả hai bên đều chủ động giải quyết thay vì đổ lỗi cho nhau.

Nhược điểm: Mô hình đòi hỏi cả 2 bên đều phải chuẩn bị một lượng vốn đủ để duy trì kinh doanh lâu dài. Ngoài ra, trong mô hình này, nguy cơ bất đồng chiến lược cũng dễ xảy ra hơn, nếu không cùng thống nhất tầm nhìn và chiến lược, sẽ rất dễ xảy ra tan vỡ hoặc chấm dứt hợp tác.

Phù hợp với ai: Mô hình nhượng quyền này phù hợp với những nhà đầu tư có một số vốn vừa phải và có mong muốn chia sẻ rủi ro. Về phía nhượng quyền, muốn gia nhập vào một thị trường mới nhưng cần đổi tác bản địa để hiểu rõ hành vi người tiêu dùng cũng có thể sử dụng mô hình  nhượng quyền này.

Xem thêmPhúc Long Coffee & Tea: Câu chuyện thương hiệu và nhượng quyền

2.3 Theo phạm vi địa lý

2.3.1 Nhượng quyền trong nước

Đây là mô hình kinh doanh nhượng quyền diễn ra trong phạm vi một quốc gia. Thương hiệu nhượng quyền chuyển giao quyền kinh doanh cho các bên nhận quyền trong phạm vi nội địa, các tỉnh thành khác nhau, trong cùng hệ thống pháp luật và văn hóa.

Ưu điểm: Dễ triển khai và ít các rủi ro về pháp lý do các bên cùng hoạt động trong cùng một môi trường pháp luật. Bên cạnh đó, chi phí để triển khai cũng rẻ hơn do không có vận chuyển quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật từ xa. Và cả 2 bên đều đã quen với văn hóa tiêu dùng, xu hướng và hành vi khách hàng nên dễ đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.

Nhược điểm: Nhượng quyền trong nước có thể phải đối mặt với thị trường đã bão hòa, sự cạnh tranh nội địa khốc liệt khi không tạo ra được sự khác biệt, các thương hiệu trong nước và quốc tế đang cùng nhắm vào nhóm khách hàng tương tự.

Phù hợp với ai: Mô hình nhượng quyền này phù hợp với các nhà đầu tư tại địa phương muốn bắt đầu kinh doanh với các thương hiệu đã có tiếng, đang tạo trend.

2.3.2 Nhượng quyền quốc tế

nhượng quyền quốc tế Cộng Cafe
Cộng Cafe là thương hiệu nhượng quyền quốc tế thành công

Nhượng quyền quốc tế là hình thức kinh doanh mở rộng thương hiệu ra thị trường nước ngoài. Bên nhượng quyền sẽ tìm đối tác tại các quốc gia khác và chuyển giao thương hiệu, nhượng lại mô hình kinh doanh thông qua các hợp đồng nhượng quyền. 

Mô hình nhượng quyền quốc tế thường được triển khai dưới dạng Master Franchise - nghĩa là có một người người mua franchise và được phép thực hiện việc nhượng quyền lại trong một khu vực, lãnh thổ cụ thể và cam kết phát triển về số lượng đơn vị kinh doanh nhượng quyền trong từng giai đoạn cụ thể với bên bán.

Ưu điểm: Hình thức này giúp thương hiệu có thể mở rộng độ nhận diện thương hiệu trên toàn cầu, tạo vị thế trên thị trường quốc tế. Nếu thị trường nội địa đang chững lại, dấn sang thị trường quốc tế là cơ hội để tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ.

Nhược điểm: Chi phí triển khai cao và khó vận hành từ xa. Nhượng quyền quốc tế đòi hỏi đối tác đáng tin cậy tại địa phương hoặc hệ thống kiểm soát mạnh từ phía thương hiệu.

Phù hợp với ai: Từ những ưu và nhược điểm trên, mô hình kinh doanh nhượng quyền này thường phù hợp với những thương hiệu lớn, có hệ thống vững chắc hoặc các nhà đầu tư muốn mang thương hiệu quốc tế về nước mình để khai thác tại thị trường nội địa.

Xem thêmCó nên mở quán nhượng quyền Cộng cafe không?

3.  Mô hình nhượng quyền nào phổ biến ở Việt Nam?

Tại thị trường Việt Nam, nhượng quyền thương mại phát triển mạnh trong các lĩnh vực F&B (ăn uống), bán lẻ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp, và ngày càng mở rộng sang các lĩnh vực dịch vụ khác trong tương lai.

Những mô hình nhượng quyền phổ biến nhất  tại Việt Nam có thể kể đến:

Mô hình

Mức độ phổ biến

Đặc điểm

Nhượng quyền kinh doanh toàn diện

★★★★★

Áp dụng phổ biến nhất trong ngành cà phê, đồ ăn nhanh, chuỗi bán lẻ. Bên nhận quyền phải tuân thủ mọi tiêu chuẩn thương hiệu từ sản phẩm, thiết kế đến vận hành.

Nhượng quyền thương hiệu

★★★☆☆

Một số thương hiệu Việt cho phép đối tác sử dụng tên tuổi để bán sản phẩm nhưng vận hành linh hoạt hơn, ví dụ một số spa hoặc nhà thuốc.

Nhượng quyền quốc tế

★★★★☆

Thường dùng khi thương hiệu quốc tế vào Việt Nam (KFC, Gong Cha). Đối tác Việt nhận quyền phân phối và triển khai tiếp tại thị trường địa phương.

Nhượng quyền có tham gia quản lý

★★☆☆☆

Chủ yếu áp dụng trong chuỗi khách sạn, giáo dục cao cấp. Bên nhượng quyền lo toàn bộ nhân sự, bên nhận quyền chỉ đầu tư vốn.

4. Quy trình tham gia mô hình nhượng quyền

quy trình tham gia nhượng quyền
Quy trình tham gia nhượng quyền cho nhà đầu tư tham khảo

4.1 Chuẩn bị tài chính, mặt bằng

Đây là bước nền tảng quan trọng, giúp bạn xác định mình có đủ khả năng theo đuổi mô hình nhượng quyền hay không.

  • Chi phí: Bạn cần chuẩn bị chi phí nhượng quyền ban đầu, chi phí setup (thi công, máy móc, nguyên vật liệu) và phí vận hành 3–6 tháng đầu. Ngoài ra, nhiều thương hiệu yêu cầu phí quản lý định kỳ (tính theo doanh thu hoặc cố định hàng tháng).

Ví dụ: Nhượng quyền Aha Cafe cần từ 600 triệu – 1,2 tỷ đồng tùy mô hình và mặt bằng.

  • Mặt bằng: Một số thương hiệu hỗ trợ tìm mặt bằng, nhưng phần lớn yêu cầu bạn tự chủ động. Mặt bằng phải đáp ứng diện tích tối thiểu và các tiêu chuẩn về vị trí (gần mặt đường, gần khu dân cư, trường học…). Với ngành F&B hoặc làm đẹp, yếu tố “góc đẹp - đông người” quyết định 50% doanh thu.

4.2 Làm việc với thương hiệu nhượng quyền

Đây là giai đoạn hai bên làm việc, trao đổi thông tin và đánh giá sự phù hợp. Một số bước bạn cần thực hiện:

Bước 1: Gửi thông tin cá nhân/doanh nghiệp và hồ sơ năng lực (tài chính, kinh nghiệm) cho bên nhượng quyền

Bước 2: Tham gia phỏng vấn hoặc gặp mặt trực tiếp để trao đổi mục tiêu và mong muốn.

Bước 3: Thương hiệu cung cấp hồ sơ nhượng quyền bao gồm:

  • Quy trình vận hành
  • Chi phí ước tính
  • Hình ảnh mặt bằng mẫu
  • Cam kết hỗ trợ

Trong giai đoạn này, bạn cần lưu ý về việc thương hiệu có minh bạch hay không? Có quy trình chuẩn hay không? Có lịch sử hỗ trợ tốt cho các bên nhận quyền trước đó hay không? Giai đoạn này cũng giúp chủ đầu tư có được so sánh trực quan giữa nhiều thương hiệu, đàm phán những quyền lợi và trách nhiệm của mình.

4.3 Ký hợp đồng - Đăng ký với Bộ Công Thương

Sau khi hai bên thống nhất về điều kiện, quyền và nghĩa vụ, bạn bước vào giai đoạn pháp lý và ký kết chính thức.

Một hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ bao gồm:

  • Quyền sử dụng thương hiệu, sản phẩm, công thức, mô hình.
  • Cam kết về khu vực, thời gian nhượng quyền.
  • Điều khoản rút lui, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng.
  • Cam kết bảo mật và bảo vệ thương hiệu.

Một số loại hồ sơ đi kèm khi ký kết:

  • Hồ sơ pháp lý hai bên (giấy đăng ký kinh doanh, CCCD, hợp đồng thuê mặt bằng…).
  • Kế hoạch kinh doanh sơ bộ.
  • Biên bản khảo sát mặt bằng, thời gian setup.

Bạn nên thuê luật sư hoặc các đơn vị tư vấn pháp lý chuyên về nhượng quyền để đọc kỹ hợp đồng, tránh điều khoản gây thiệt cho bên mình.

Trên đây là chia sẻ từ A-Z về các mô hình nhượng quyền cho những ai còn băn khoăn. Dù bạn là nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh an toàn, hay là chủ thương hiệu muốn mở rộng hệ thống nhanh chóng mà vẫn kiểm soát được chất lượng, thì việc hiểu rõ từng mô hình chính là chìa khóa để đưa ra quyết định phù hợp.

Hy vọng bài viết này giúp bạn có thêm góc nhìn thực tế và chọn được con đường nhượng quyền phù hợp với nguồn lực, mục tiêu và thế mạnh của mình. Theo dõi Sapo để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích về kinh doanh nhượng quyền nhé!

Xem thêmTop 12 thương hiệu nhượng quyền trà sữa đông khách nhất Việt Nam

Chia sẻ bài viết:
Đánh giá bài viết:
5/5  (0 vote)
Nguyễn Thu Giang
Tác giảNguyễn Thu Giang

Biên tập viên

Dựa trên nền tảng nghiên cứu nội dung kinh doanh, tôi có hơn 5 năm kinh nghiệm xây dựng chiến lược và triển khai bài viết giúp nhà bán hàng nắm bắt xu hướng, tối ưu hoạt động và ra quyết định hiệu quả.
Quy trình biên tập nội dung tại Sapo