Kinh nghiệm cần nhớ khi thực hiện ý tưởng kinh doanh nhà trọ (P1)

Kinh doanh nhà trọ, một ý tưởng không mới nhưng vẫn luôn “hot”, nhất là tại những thành phố lớn có nhu cầu cao về nhà ở. Trong bài viết Ý tưởng kinh doanh nhà trọ, ngồi không mỗi tháng kiếm trăm triệu? chúng tôi đã phân tích những tiềm năng và thách thức cần phải đối mặt khi hiện thực hóa ý tưởng này. Nếu bạn đã quyết tâm lựa chọn thì trước khi lập một bản kế hoạch hoàn chỉnh hãy tham khảo những kinh nghiệm cần nhớ sau.

kinh nghiệm ý tưởng kinh doanh nhà trọ 3

1. Chọn đúng phân khúc thị trường

Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng mà thị trường cho thuê nhà trọ được chia làm 2 phân khúc, bình dân và cao cấp. Phân khúc bình dân thường bao gồm sinh viên, công nhân,… là những người có thu nhập thấp, vì vậy giá phòng dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Còn phân khúc cao cấp chủ yếu được các hộ gia đình hoặc người có thu nhập cao lựa chọn, có giá ít nhất gấp đôi so với phòng bình dân. Sự chênh lệch giá cả giữa hai phân khúc này chủ yếu vì nội thất của các phòng trọ cao cấp đầy đủ và đẹp hơn, đồng thời cũng nằm ở những vùng gần trung tâm, thuận tiện cho việc đi lại.

Muốn xây nhà trọ thì trước tiên bạn phải xác định được phân khúc mà mình muốn và có khả năng hướng tới. Nếu không có nhiều vốn thì lựa chọn phân khúc bình dân sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn, đồng thời phân khúc này cũng có tập khách hàng lớn và thường không yêu cầu quá cao về phòng trọ.

Ngoài ra, địa điểm của khu đất cũng rất quan trọng trong việc định hướng đối tượng tiềm năng, các khu đất gần trường đại học, khu công nghiệp chắc chắn sẽ có nhiều khách hàng bình dân hơn. Ngược lại, nếu bạn tìm được khu đất ở trung tâm, gần khu công sở, trường mầm non, tiểu học thì lại thu hút các hộ gia đình đến thuê.

2. Lựa chọn mô hình đầu tư

Để đầu tư cho một khu nhà trọ bạn có thể chọn một trong ba mô hình sau:

Xây dựng nhà trọ trên khu đất của mình

Nếu bạn có sẵn một khu đất để không thì có thể tận dụng để xây nhà trọ, như vậy sẽ tiết kiệm được ít nhất một nửa chi phí đầu tư ban đầu. Với mô hình này thì cả nhà và đất đều thuộc quyền sở hữu của bạn, không cần phải lo lắng các vấn đề bất ngờ phát sinh trong tương lai. Tuy nhiên, bất lợi có nó là bạn không thể chọn được địa điểm theo như ý muốn, nên đa phần người dùng mô hình này đều có sẵn đất tại các khu “đắc địa” như gần trường đại học, trung tâm,…

Thuê đất để xây nhà trọ

Phương án này dành cho những người muốn kinh doanh nhà trọ lâu dài nhưng lại không đủ tiền để tậu một mảnh đất mới hoặc muốn tìm địa điểm thuận lợi cho phân khúc mà họ hướng tới. Thông thường, hợp đồng thuê đất sẽ kéo dài từ 8 đến 15 năm, tuy nhiên dễ gặp biến cố như chủ đất đột ngột không cho thuê nữa khi thấy bạn làm ăn quá phát đạt chẳng hạn.

Thuê nhà trọ rồi cho thuê lại

Đây là phương án tốn ít chi phí và dễ thu hồi vốn nhất, bạn không cần phải có đất, cũng không cần tốn tiền xây nhà, chỉ việc thuê các nhà nguyên căn rồi tìm khách cho thuê lại hưởng chênh lệch là được. Thông thường, các chủ trọ kiểu này sẽ ngăn thêm phòng để tận dụng tối đa không gian, thu tiền cọc từ 2 đến 3 tháng của khách để trả tiền thuê tháng đầu tiên cho chủ nhà.

3. Chuẩn bị các khoản chi phí

kinh nghiệm ý tưởng kinh doanh nhà trọ 1

Như đã nói ở bài viết trước, cho thuê nhà trọ là ý tưởng kinh doanh “thu bạc cắc”, số tiền thu về mỗi tháng thường ít hơn rất nhiều so với chi phí ban đầu nên thời gian hoàn vốn khá lâu. Vì vậy trước khi thực hiện kế hoạch bạn cần lên danh sách dự trù chi phí thật chi tiết. Các khoản phí thường bao gồm:

Chi phí mua đất (nếu chưa có)

Tùy vào vị trí bạn chọn mà giá đất khác nhau, cần phải cân nhắc và nắm bắt đúng thời điểm để mua vì thị trường bất động sản biến động liên tục, giá cả có thể chênh lệch lớn chỉ sau thời gian ngắn.

Chi phí hoàn thiện

Bao gồm chi phí xây nhà và trang thiết bị nội thất. Có một điểm lưu ý là hãy khảo sát trước nhu cầu của khách hàng mục tiêu, xem họ muốn nội thất bao gồm những gì để tập trung đáp ứng, như vậy sẽ dễ dàng tìm kiếm khách hàng hơn.

Chi phí sửa chữa, nâng cấp

Nhà trọ sẽ xuống cấp theo thời gian, các vật dụng chung như đường ống nước, dây điện, đồng hồ,… có thể bị hỏng trong quá trình người thuê sử dụng. Vì vậy bạn cần dự trù khoản này mỗi tháng, tránh thiếu hụt.

Các chi phí phụ (dọn rác, trông xe, Internet,…)

Nhiều khu trọ thường tính các khoản phí này cho người đi thuê để tiết kiệm, nhưng với khu trọ cao cấp thì thường miễn phí. Bạn nên tính trước để có kế hoạch chi tiêu hợp lý.

Việc hoạch định cụ thể từng khoản phí giúp bạn biết được chính xác nguồn vốn cần huy động là bao nhiêu và tìm được các phương án thu hồi vốn nhanh nhất có thể.

(Còn tiếp…)

Tweet
5/5 (0 vote)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM