Foodpanda rút lui khỏi thị trường Việt Nam

Sau beyeu.com, Foodpanda là cái tên thứ 2 gây shock khi rút khỏi thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Nếu như beyeu.com ra đi vì không thể tiếp tục tham gia cuộc chơi “đốt tiền”, thì Foodpanda, với sự hậu thuẫn của Rocket Internet – công ty mẹ của Lazada và Zalora, tại sao vẫn phải ngậm ngùi rút lui?

Trong thông báo ngày 02 tháng 12, Tổng giám đốc Foodpanda tại Việt Nam, Trương Duy Linh, cho biết công ty phải chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vì “tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn”. Lý do này được đưa ra khá giống với beyeu.com khi rút lui khỏi thị trường thương mại điện tử và cũng không quên để lại lời nhắn đau thương cho người ở lại: "Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng".

foodpanda-rut-lui-khoi-viet-nam-1

Trong khoảng thời gian 5 ngày kể từ khi ra thông báo, Gấu trúc Food sẽ chấm dứt tất cả hoạt động liên quan đến dịch vụ bao gồm cả website foodpanda.vn. Công ty đã tiến hành thanh lý và đối chiếu các hợp đồng với đối tác.

Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2012, Foodpanda và thương hiệu liên kết Hellofood được cho là đứng đầu trong thị trường đặt hàng thức ăn trực tuyến. Trang web đặt món ăn trực tuyến của Rocket Internet đang hoạt động tại 42 quốc gia. Riêng khu vực Đông Nam Á, Food Panda đã ra mắt và vận hành tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Đại diện công ty này cho biết, website foodpanda.vn đóng cửa là do chiến lược của Rocket Internet ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, sau khi đánh giá hiệu quả đầu tư vào mô hình này. "Tập đoàn đánh giá thị trường Việt Nam rất tiềm năng và có sự tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hiện chiến lược của chúng tôi là tập trung vào những thị trường đã mang lại lợi nhuận. Trong khi, nếu duy trì Food Panda tại Việt Nam thì cần phải đầu tư thêm. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng trong vài năm tới, chúng tôi sẽ xem xét việc mở lại website này".

foodpanda-rut-lui-khoi-viet-nam-2

Rocket Internet hiện đang đầu tư vào nhiều mảng khác nhau. Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, Rocket Internet đang rót tiền vào 4 mảng gồm: Nội thất gia đình (Home24, Westwing), Thời trang (Zalora, Dafiti, Namshi), Hàng hóa (Lazada, Linio, Jumia) và Thực phẩm (Foodpanda). Mặc dù luôn được nhận định là “nhiều tiềm năng”, Rocket Internet đang lỗ trên cả 4 mặt trận nói trên. Theo báo cáo tài chính của Rocket Internet, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả 4 mảng thương mại điện tử (E-commerce) của “ông lớn” này đang tiếp tục “đốt tiền” mạnh hơn cả cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lý do chính cho việc dừng hoạt động của Foodpanda tại Việt Nam.

Hàng năm vẫn có rất nhiều website được mở ra, đồng thời cũng không ít trang âm thầm đóng cửa. Với những ai đang làm về thương mại điện tử đều hiểu rõ những khó khăn của nó, đa số các dự án đang hoạt động đều không có lãi bởi chi phí vận hành, marketing và chi phí định hướng người dùng đang rất lớn. Tuy nhiên, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn rất rộng vì mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thương mại truyền thống, do đó, những người đang làm trong lĩnh vực này không nên quá bi quan, nhưng chúng ta phải thừa nhận một điều: cuộc chơi thương mại điện tử không dành cho những người thiếu vốn.

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM