Nếu khái niệm “chữ ký số” đã quen thuộc với các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trong môi trường số thì cụm từ ”chứng thực chữ ký số” vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người. Vậy chứng thực chữ ký số là gì? Chứng thực chữ ký số có mối liên hệ như thế nào với chứng thư số và chữ ký số. Hãy cùng Sapo khám phá trong bài viết dưới đây.

1. Chứng thực chữ ký số là gì?
Theo Điều 4 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, dịch vụ chứng thực chữ ký số đựợc định nghĩa như sau:
Dịch vụ chứng thực chữ ký số là một loại hình dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp cho thuê bao để xác thực việc thuê bao là người đã ký số trên thông điệp dữ liệu. Dịch vụ chứng thực chữ ký số bao gồm:
1. Tạo cặp khóa hoặc hỗ trợ tạo cặp khóa bao gồm khóa công khai và khóa bí mật cho thuê bao.
2. Cấp, gia hạn, tạm dừng, phục hồi và thu hồi chứng thư số của thuê bao.
3. Duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư số.
4. Cung cấp thông tin cần thiết để giúp chứng thực chữ ký số của thuê bao đã ký số trên thông điệp dữ liệu.
Như vậy, có thể hiểu, chứng thực chữ ký số là quá trình xác minh tính nguyên vẹn của thông tin và xác định danh tính người ký trong các giao dịch điện tử. Việc này giúp đảm bảo rằng nội dung không bị thay đổi sau khi ký và được xác nhận bởi cá nhân hoặc tổ chức đã tạo ra chữ ký đó.
Quy trình chứng thực chữ ký số gồm hai bước chính sau:
- Tạo chữ ký số: Dựa vào thuật toán mã hóa, hệ thống tạo ra một chữ ký số riêng biệt dựa trên thông tin của người ký. Chữ ký số được tạo ra từ khóa bí mật, gắn với nội dung cần ký.
- Xác thực chữ ký số: Người nhận sử dụng khóa công khai của người gửi để kiểm tra chữ ký, đảm bảo nội dung không bị chỉnh sửa và xác minh nguồn gốc của người ký.

2. Chứng thực chữ ký số ở đâu?
Chữ ký số được pháp luật công nhận và có giá trị pháp lý tương đương với chữ ký tay hoặc con dấu đỏ truyền thống của doanh nghiệp. Do đó, việc chứng thực chữ ký số sẽ được thực hiện bởi các tổ chức có thẩm quyền, bao gồm:
- Các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia
- Tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số dành riêng cho Chính phủ
- Các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
- Những tổ chức được cấp phép chứng thực chữ ký số chuyên dùng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, và đáp ứng đầy đủ điều kiện bảo đảm an toàn theo quy định.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số. Doanh nghiệp có thể tham khảo và lựa chọn các đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, ví dụ như Easy CA, FastCA, BkavCA, FPT-CA,...

Xem thêm: Hướng dẫn cách đăng ký chữ ký số với cơ quan thuế 2025
3. Điều kiện để cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số
Để trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về pháp lý, tài chính, nhân sự và kỹ thuật như sau:
3.1. Điều kiện về chủ thể
Doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng bắt buộc phải là pháp nhân được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật hiện hành.
3.2. Điều kiện về năng lực tài chính
Nhà cung cấp cần chứng minh đủ năng lực tài chính thông qua các yêu cầu cụ thể:
- Ký quỹ tối thiểu 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại trong nước. Số tiền này dùng để chi trả các rủi ro, bồi thường thiệt hại do lỗi kỹ thuật hoặc lỗi vận hành từ phía nhà cung cấp. Ngoài ra, khoản ký quỹ cũng nhằm đảm bảo có kinh phí để duy trì dữ liệu thuê bao trong trường hợp bị thu hồi giấy phép hoạt động.
- Thanh toán đầy đủ phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số nếu doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép.
3.3. Điều kiện về nhân sự
Về nguồn nhân lực, doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân viên chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ:
- Quản trị và vận hành hệ thống kỹ thuật;
- Cấp phát chứng thư số và đảm bảo an toàn thông tin trong toàn bộ quy trình cung cấp dịch vụ;
- Nhân sự phải có trình độ từ đại học trở lên, thuộc các ngành liên quan như Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, An ninh mạng,...
3.4. Điều kiện về hạ tầng kỹ thuật
Hệ thống kỹ thuật của nhà cung cấp phải được xây dựng bài bản và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt sau:
- Lưu trữ và cập nhật đầy đủ thông tin thuê bao, phục vụ việc cấp và kiểm tra trạng thái chứng thư số trong suốt thời gian hiệu lực.
- Quản lý chính xác danh sách chứng thư số còn hiệu lực, tạm dừng hoặc đã hết hạn.
- Cơ chế tạo cặp khóa phải đảm bảo mỗi cặp khóa được sinh ra một cách ngẫu nhiên, chỉ sử dụng một lần duy nhất, đồng thời đảm bảo không thể suy ra khóa bí mật từ khóa công khai.
Có hệ thống cảnh báo và phòng chống truy cập trái phép từ môi trường Internet. - Hệ thống phân phối khóa cho thuê bao cần đảm bảo tính toàn vẹn và độ bảo mật cao.
- Toàn bộ trang thiết bị kỹ thuật phải được đặt tại Việt Nam, có biện pháp bảo vệ phòng chống cháy nổ, chống lũ lụt, động đất, nhiễu điện từ,...
- Có quy chế chứng thực được xây dựng theo mẫu chuẩn của tổ chức cấp chứng thực quốc gia.
- Có trụ sở hạ tầng phù hợp, cùng các phương án kiểm soát nghiêm ngặt việc truy cập hệ thống, quyền ra vào khu vực đặt thiết bị, và bảo vệ an toàn thông tin trong suốt quá trình vận hành.

4. Phân biệt giữa chứng thư số và chữ ký số
4.1. Khác nhau giữa chứng thư số và chữ ký số
Tiêu chí | Chứng thư số | Chữ ký số |
Khái niệm | Là một dạng chữ ký điện tử, được tạo ra từ quá trình mã hóa dữ liệu bằng thuật toán và khóa bí mật của người ký. | Là chứng chỉ điện tử do tổ chức chứng thực chữ ký số cấp, dùng để xác minh danh tính người tạo chữ ký số. |
Mục đích | - Đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực, tính bảo mật và tính chống chối bỏ cho nội dung dữ liệu. - Thay thế chữ ký tay trong giao dịch số. | - Xác thực danh tính của cá nhân hoặc tổ chức thực hiện ký số. - Chứng nhận chữ ký số được tạo ra hợp lệ và đúng quy định. |
Cấu tạo | Bao gồm một cặp khóa: khóa bí mật và khóa công khai theo hệ thống mã hóa bất đối xứng. | Bao gồm khóa công khai và thông tin định danh của người dùng. |
Đơn vị cung cấp dịch vụ | Các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số như được cấp phép | Do tổ chức chứng thực chữ ký điện tử phát hành. |
Nội dung | - Dữ liệu đã được mã hóa - Khóa bí mật - Khóa công khai | - Tên tổ chức cấp chứng thư - Tên thuê bao - Số hiệu chứng thư số - Hiệu lực chứng thư - Khóa công khai - Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ - Hạn chế về mục đích, phạm vi và trách nhiệm pháp lý - Thuật toán mã hóa và các thông tin khác theo quy định |
Đối tượng sử dụng | Cá nhân Doanh nghiệp, tổ chức Cá nhân trong doanh nghiệp, tổ chức | Cá nhân Doanh nghiệp, tổ chức Cá nhân trong doanh nghiệp, tổ chức |
Xem thêm: Chữ ký số và chữ ký điện tử: Giống và khác nhau như thế nào?
4.2. Mối liên hệ giữa chứng thư số và chữ ký số
Mặc dù có những điểm khác biệt rõ ràng, chứng thư số và chữ ký số lại có mối liên hệ chặt chẽ trong quá trình xác thực điện tử:
- Chứng thư số được cấp sau quá trình chứng thực chữ ký số
- Để tạo ra chữ ký số hợp lệ, doanh nghiệp hoặc cá nhân trước tiên phải được cấp một chứng thư số.
- Chữ ký số chỉ có giá trị khi được tạo trong thời gian chứng thư số còn hiệu lực và có thể được xác minh bằng khóa công khai ghi trong chứng thư số đó.
- Chứng thư số đóng vai trò là cơ sở để bên nhận xác nhận tính hợp pháp của chữ ký số, trong khi chữ ký số xác nhận tính xác thực và toàn vẹn của thông tin hoặc văn bản được ký.
Trên đây là tổng hợp các thông tin cơ bản về chứng thực chữ ký số, cũng như mối liên hệ giữa chứng thư số và chữ ký số. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn và áp dụng hiệu quả chữ ký số trong môi trường số hóa hiện nay. Đừng quên theo dõi Sapo để cập nhật thêm nhiều kiến thức kinh doanh trong thời đại chuyển đổi số!