Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, việc sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử đã trở nên phổ biến và quen thuộc. Hiện nay, hai loại chữ ký số được sử dụng rộng rãi nhất là chữ ký số USB Token và chữ ký số HSM. Với các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị thường xuyên thực hiện ký số, chữ ký số HSM chắc hẳn không còn xa lạ. Vậy chữ ký số HSM là gì, có điểm gì nổi bật và khác biệt so với chữ ký số USB Token? Hãy cùng Sapo tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

1. Chữ ký số HSM là gì?
Chữ ký số HSM, còn gọi là chữ ký server hoặc chữ ký HSM server. Khác với các loại chữ ký số token, cặp khóa và chứng thư số của chữ ký HSM được lưu trữ trong thiết bị HSM và được tích hợp thông qua hệ thống server hóa đơn điện tử của tổ chức hoặc doanh nghiệp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Vậy HSM đóng vai trò gì trong chữ ký số này? HSM (Hardware Security Module) là một thiết bị vật lý chuyên dụng dùng để bảo vệ và quản lý các cặp khóa chứng thư số, đồng thời xử lý các thuật toán mật mã với mức độ bảo mật cao. Về hình thức, HSM có thể là một card PCI gắn trực tiếp vào máy tính hoặc một thiết bị phần cứng độc lập kết nối qua internet. Khi sử dụng chữ ký số HSM, doanh nghiệp không cần dùng USB Token vì toàn bộ khóa ký số được lưu trữ tập trung trong HSM.
Là một phương thức ký số có độ an toàn và bảo mật rất cao, chữ ký số HSM thường được lựa chọn bởi:
- Doanh nghiệp hoặc tổ chức lớn, thường xuyên ký số với số lượng lớn hoặc có nhu cầu tự động hóa quy trình ký và phân quyền ký theo vai trò, chức vụ.
- Các đơn vị có hạ tầng công nghệ đủ mạnh để triển khai, vận hành thiết bị HSM một cách hiệu quả.

Xem thêm: Các loại chữ ký số thông dụng 2025: Tính năng và ưu nhược điểm
2. Đặc điểm nổi bật của chữ ký số HSM
Chữ ký số HSM sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so nhờ các đặc điểm nổi bật sau:
Tính toàn vẹn: Giống như các loại chữ ký số khác, chữ ký số HSM đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản và giao dịch điện tử, không cho phép thay đổi sau khi đã ký.
Tính xác thực: Với cấu trúc gồm khóa riêng tư và khóa công khai, chữ ký số HSM giúp bảo mật tài liệu và xác thực danh tính người ký một cách chính xác, ngăn chặn truy cập trái phép.
Khả năng phân quyền: Chữ ký số HSM cho phép phân quyền ký linh hoạt cho nhiều cá nhân trong tổ chức và hỗ trợ ký số đồng thời, vượt trội hơn so với USB Token.
Ký số trực tuyến: Khác với USB Token phải sử dụng thiết bị USB vật lý, chữ ký số HSM hỗ trợ ký số online qua tài khoản mà không cần mang theo thiết bị HSM, giúp tăng tính tiện lợi và linh hoạt.
Tốc độ ký số nhanh: Được cài đặt module phần cứng đạt chuẩn FIPS 140-2, chữ ký số HSM có thể thực hiện lên đến 1200 lượt ký/ giây, đáp ứng tốt nhu cầu ký số với khối lượng lớn và tốc độ cao.

Xem thêm: Tổng hợp mẫu chữ ký số theo chuẩn quy định pháp luật 2025
3. Chức năng chính của chữ ký số HSM
Tương tự các loại chữ ký số khác, chữ ký số HSM cũng đảm bảo các chức năng cơ bản của một chữ ký số. Bên cạnh đó, chữ ký số HSM còn mang lại chức năng đặc biệt như:
- Tạo chữ ký số tự động: Khác với việc ký đơn lẻ, chữ ký số HSM có khả năng ký tự động nhiều chữ ký cùng lúc với tốc độ nhanh, giúp tối ưu hóa quy trình làm việc.
- Đảm bảo giá trị pháp lý: Chữ ký số HSM có giá trị pháp lý tương đương chữ ký tay đối với cá nhân và con dấu đỏ đối với doanh nghiệp. Do đó, có thể thay thế hoàn toàn chữ ký tay hoặc con dấu truyền thống trong mọi giao dịch điện tử.
- Chức năng phân quyền: Hỗ trợ phân quyền ký số dễ dàng cho các bộ phận liên quan trong tổ chức, cho phép ký số đồng thời và quản lý quyền hạn của từng cá nhân.
Xem thêm: Hướng dẫn cách ký số trên file Word chi tiết và đơn giản nhất
4. Nguyên lý hoạt động của chữ ký số HSM
HSM đóng vai trò chính trong việc quản lý các “chìa khóa” mã hóa, giúp chữ ký số HSM tạo, lưu trữ, sử dụng, quản lý, sao lưu và xóa các mã khóa một cách an toàn và hiệu quả.
Quy trình hoạt động của HSM gồm các bước chính sau:
Bước 1: Tạo mã khóa
HSM sử dụng công nghệ tạo số ngẫu nhiên để tạo ra những mã khóa đặc biệt, đảm bảo không trùng lặp và không thể đoán được.
Bước 2: Triển khai sử dụng
Sau khi được tạo, mã khóa sẽ được cài đặt trực tiếp vào thiết bị HSM để sử dụng. Hệ thống đảm bảo chỉ những người có quyền truy cập hợp lệ mới được phép sử dụng mã khóa này.
Bước 3: Quản lý mã khóa
Trong quá trình sử dụng, các mã khóa được hệ thống quản lý chặt chẽ. Ví dụ, khi mã khóa đến hạn sử dụng, hệ thống sẽ tự động thực hiện luân chuyển khóa bằng cách thay thế khóa cũ bằng khóa mới, giúp duy trì mức độ bảo mật liên tục.
Bước 4: Lưu trữ dài hạn
Khi mã khóa không còn được dùng thường xuyên nhưng vẫn cần giữ lại để mở khóa dữ liệu cũ, HSM sẽ lưu nó vào nơi lưu trữ an toàn.
Bước 5: Tiêu hủy mã khóa
Cuối cùng, khi xác định rằng mã khóa không còn cần thiết nữa, HSM sẽ xóa bỏ hoàn toàn mã đó để tránh bị lạm dụng hoặc truy cập trái phép về sau.

5. Khác biệt giữa chữ ký số HSM và chữ ký số USB Token
Mặc dù đều là hai loại chữ ký số phổ biến hiện nay, nhưng chữ ký số HSM và chữ ký số USB Token lại có nhiều điểm khác biệt về tính năng:
Chữ ký số HSM | Chữ ký số USB Token |
- Có thể ký trên nhiều loại thiết bị điện tử - Tiện lợi, không cần mang theo thiết bị - Hỗ trợ ký số qua tài khoản trực tuyến - Tốc độ ký rất nhanh, lên đến 1.200 chữ ký/giây - Có khả năng phân quyền cho nhiều người dùng cùng lúc - Phù hợp với doanh nghiệp lớn, các đơn vị có nhu cầu ký số nhiều, ký nhanh, hoặc phát hành hóa đơn cho nhiều chi nhánh | - Chỉ có thể ký trên máy tính hoặc laptop (yêu cầu cổng USB) - Người dùng luôn phải mang theo thiết bị USB Token nếu muốn ký số - Chỉ ký số offline - Ký theo thứ tự lần lượt, tốc độ chậm, chỉ khoảng 4–5 chữ ký số mỗi phút - Không thể phân quyền cho nhiều người dùng, chỉ cho phép 1 người sử dụng tại một thời điểm - Phù hợp với cá nhân hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ |

Trên đây là những thông tin tổng quan về chữ ký số HSM, bao gồm khái niệm, đặc điểm nổi bật, chức năng, cách hoạt động và sự khác biệt so với chữ ký số USB Token. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn cái nhìn toàn diện và hữu ích về loại chữ ký số này. Đừng quên theo dõi Sapo để cập nhật thêm nhiều kiến thức kinh doanh trong thời đại chuyển đổi số!