Hàng quán tại TpHCM phục hồi khiêm tốn sau giãn cách

Sau một tháng mở cửa lại và hai tuần được bán tại chỗ, hàng quán mới phục hồi khiêm tốn và khá dè dặt khi nói về tương lai.

Chị Hoa, chủ một quán cơm và cà phê văn phòng trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM) cho biết, doanh thu hiện mới đạt khoảng 30% so với trước. Theo chị, nguyên nhân là nhân viên văn phòng còn thưa thớt. Trong khi đó, tiền mặt bằng mỗi tháng 20 triệu đồng chị vẫn phải trả đủ.

Không chỉ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các chuỗi đồ uống và ẩm thực tại TP HCM cũng ghi nhận mức phục hồi còn tương đối khiêm tốn. Ông Hoàng Tiễn, Nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi Coffee Bike cho biết, mô hình chỉ chuyên phục vụ bán mang về của thương hiệu đã đạt doanh thu bằng trước dịch, còn nhóm cửa hàng phục vụ tại chỗ ở TP HCM vẫn còn thưa khách.

Theo ước lượng của ông Tiễn, lượng người quay lại trung tâm thành phố làm việc chỉ đạt khoảng 30-40%. Do đó, các chi nhánh của thương hiệu này ở TP HCM vẫn tập trung bán mang đi là chính.

"Các chủ quán bán tại chỗ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều hộ kinh doanh quyết định dời ra các quận vùng ven để giảm chi phí cố định hàng tháng", ông nói về các đối tác nhượng quyền ở TP HCM của mình.

Hàng quán TP HCM trong ngày đầu bán tại chỗ, ngày 28/10/2021
Hàng quán TP HCM trong ngày đầu bán tại chỗ, ngày 28/10/2021

Ở phân khúc đồ uống cao cấp, Starbucks Việt Nam không chia sẻ mức độ phục hồi cụ thể nhưng cũng tỏ ra khá thận trọng. "Kinh doanh không như ngày trước", Đại diện công ty trả lời. Theo đánh giá của lãnh đạo chuỗi này, nhu cầu đến cửa hàng của khách là rất cao. Tuy nhiên, họ vẫn rất ngại khi phải đến chỗ đông người.

Chuỗi 5 nhà hàng Vua Cua của chị Đoàn Thị Anh Thư cũng đã mở cửa lại từ tháng trước, nhưng khách đến ăn tại chỗ không nhiều. "Mảng kinh doanh nhà hàng chỉ phục hồi được một phần vì khách vẫn còn rất dè chừng khi đi ăn ngoài. Nhìn chung khách còn vắng và chủ yếu mua mang về", chị Thư cho biết.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, tháng 10 vừa qua, tức trong tháng đầu thành phố mở cửa, doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 548 tỷ đồng, tăng 13,5% so với tháng 9 nhưng vẫn giảm 92,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

doanh thu dịch vụ ăn uống tphcm
Doanh thu dịch vụ ăn uống tphcm

Nếu so với mức độ phục hồi của ngành dịch vụ ăn uống cả nước thì vẫn khá khiêm tốn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, doanh thu dịch vụ ăn uống cả nước tháng qua đạt 25.900 tỷ đồng, tăng 48,5% so với tháng 9. Một số địa phương có mức phục hồi dịch vụ lưu trú, ăn uống cao như: Bình Định tăng 78,3%; Hà Nội tăng 94,1%; Khánh Hòa tăng 127,5% và Cần Thơ tăng 239,6%.

Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước đợt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, đà phục hồi của ngành dịch vụ ăn uống cả nước nhìn chung cũng chưa cao, chứ không riêng gì TP HCM. Số liệu thống kê của hệ thống Payoo - liên kết gần 20.000 điểm chấp nhận thanh toán, xử lý hơn 400 loại hóa đơn, dịch vụ từ hơn 350 nhà cung cấp - có thể phần nào phác họa bức tranh đó.

Cụ thể, so với quý II, tỷ lệ phục hồi chung của ngành F&B trong 2 tuần đầu tháng 10 chỉ đạt khoảng 20-30%. Con số này khá khiêm tốn so với mức độ phục hồi của các nhóm bán lẻ khác. Ví dụ, các siêu thị, trung tâm thương mại phục hồi khoảng 90%. Các chuỗi điện thoại, điện máy lớn phục hồi 70-90% còn cửa hàng nhỏ tăng trưởng thậm chí gấp đôi.

Do vậy, Payoo xếp F&B, cùng với làm đẹp, chăm sóc sức khỏe vào nhóm "phục hồi chậm" do vẫn gặp nhiều khó khăn khi không ít địa phương còn hạn chế một số loại hình kinh doanh. Vì vậy, cần thêm nhiều thời gian và các chính sách mở cửa để trở lại như mốc thời điểm trước giãn cách.

Tuy nhiên, hệ thống vẫn ghi nhận một vài điểm sáng. "Một số chuỗi cửa hàng có những chiến lược bán và giao hàng tốt, cộng hưởng với nhu cầu của người dùng rất cao dù mua mang về nên đã có mức phục hồi ấn tượng, thậm chí cao hơn lúc trước dịch", Payoo cho biết.

Đọc thêm: 5 cách tối ưu chiến lược bán mang về đồ ăn, thức uống mùa dịch dành cho chủ quán

TP HCM bắt đầu mở cửa lại vào ngày 1/10 với Chỉ thị 18, cho phép các cửa hàng ăn uống được bán mang đi. Đến 28/10, thành phố cho phép hàng quán bán tại chỗ nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chống dịch nhưng không bán đồ uống có cồn, trừ thí điểm ở quận 7, Thành phố Thủ Đức và phải đóng cửa lúc 21h tối.

Tuy nhiên, kể từ hôm 7/11, thời điểm số ca nhiễm mới mỗi ngày bắt đầu trên mốc 1000, tâm lý của nhiều chủ quán khá chông chênh và dè dặt khi nói về tương lai. "Tôi nghĩ tình hình sẽ chưa thể phục hồi khi số lượng ca F0 đang tăng lại", chị Đoàn Thị Anh Thư đánh giá. Do vậy, Vua Cua đang tính đường khác để phục hồi. Chị Thư cho hay không có kế hoạch mở thêm nhà hàng mà từ tháng 12 sẽ tập trung mảng bán mang đi và nhượng quyền thương hiệu.

Phía Starbucks cho rằng, mức độ phục hồi của ngành F&B sẽ phụ thuộc vào tiến độ tiêm chủng. Trường hợp đến hết năm nay, toàn bộ người dân cả nước đã có ít nhất một mũi thì triển vọng sẽ xán lạn. "Khi đó tôi hy vọng kinh tế sẽ khôi phục tốt hơn, đồng nghĩa với tình hình kinh doanh chung trên cả nước hoặc riêng với chúng tôi sẽ cùng khởi sắc", đại diện công ty nói.

Trên đây là các số liệu về tình trạng phục hồi của hàng quán ăn uống tại TpHCM sau dịch. Các chủ quán có thể tối ưu chiến lược bán hàng mang về của quán mình bằng cách sử dụng Website Order hoặc đăng ký Grab Food để bán hàng online. 

Nguồn VnExpress

Tweet
4.7/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM