Thị trường bán lẻ Việt Nam : cơ hội cho các doanh nghiệp nội

Mặc dù các đại gia bán lẻ ngoại được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi của Việt Nam, cộng với đó, do đã hình thành nên từ lâu đời nên tiềm lực tài chính và nguồn lực con ngươi của họ rất tốt đến mức lấn át hết các doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nội mất hết cơ hội trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

ban-le

Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức" do báo công thương điện tử tổ chức vào ngày 13/11/2013, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã cho rằng, sở dĩ các DN bán lẻ ngoại tại Việt Nam phát triển lấn át các DN nội là do các tập đoàn này đã hình thành hàng chục năm, thậm chí có tập đoàn hình thành gần trăm năm. Do vậy, tiềm lực tài chính, nguồn lực con người của họ rất tốt. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng nhận định trên là không hoàn toàn chính xác khi số lượng các DN trong nước không hề nhỏ, thị phần vẫn đang không ngừng mở rộng.

Hơn nữa, thực tế, dù có kinh nghiệm lâu đời hơn các DN bán lẻ nội ở thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng rõ ràng nếu không nhận được những chính sách “thả lỏng” hơn thì các “đại gia” ngoại cũng không thể dễ dàng qua mặt các DN trong nước một cách nhanh chóng ngay trên sân khách như vậy. Trước những băn khoăn của một số DN bán lẻ trong nước về việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng khá nhiều các chính sách ưu đãi của Việt Nam nên có nhiều lợi thế để phát triển, trong khi đó, bản thân các DN trong nước hầu như lại không được hỗ trợ hay tạo điều kiện gì, ông Trần Nguyên Năm liên tục khẳng định các DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài đều bình đẳng như nhau.

 ban le

Tuy nhiên, xem ra từ “bình đẳng” mà ông Năm dùng chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Một loạt các đại gia bán lẻ ngoại như Metro hay Big C đều hoạt động khá thành công tại Việt Nam khi thu hút được một lượng khách hàng không hề nhỏ. Bên cạnh đó, quy mô phát triển và mở rộng đầu tư của các tập đoàn nước ngoài này tại Việt Nam cũng cho thấy tín hiệu lạc quan về tình hình kinh doanh của họ. Tuy nhiên, đến khi nộp thuế họ đều đưa ra kịch bản quen thuộc “báo lỗ” đã được dùng nhiều năm, nhưng cho đến giờ, cơ quan quản lý vẫn chỉ nêu lên “giả thuyết”: có nghi vấn chuyển giá, trốn thuế, chứ chưa thực sự bắt tay vào cuộc điều tra, kiểm toán xem giả thuyết có phải là sự thật hay không.

Ngoài ra, bà Loan còn cho biết thêm, mặc dù không có chính sách cụ thể ưu đãi các DN bán lẻ ngoại nhưng thực tế ở một số địa phương các DN này vẫn được ưu ái hơn. Đơn cử như vấn đề mặt bằng, các DN nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng kinh doanh ở tỉnh nhưng không được giải quyết, cuối cùng địa điểm đó đã “rơi” vào tay DN ngoại.

Không chỉ gặp khó về những chính sách của nhà nước chưa thực sự tạo ra được một cơ chế cạnh tranh công bằng cho các DN nội, bà Loan còn cho rằng, các DN bán lẻ trong nước còn vấp phải rào cản khác khi sức mua của người dân giảm sút, bất chấp việc các nhà bán lẻ trong nước đã kết hợp với các nhà sản xuất tìm nhiều cách chia sẻ với nhà tiêu dùng như khuyến mại, quảng bá hàng hóa… Do đó, “Để tăng sức cạnh tranh với các DN nước ngoài, các DN trong nước phải biết cách tạo ra tình cảm gắn bó lâu dài với người tiêu dùng; đồng thời cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi không những đào tạo ra những người bán hàng trực tiếp chăm sóc khách hàng, kỹ năng bán lẻ tốt, mà còn phải có nhà quản trị tốt để định hướng cho sự phát triển DN, nếu không đảm bảo các yếu tố trên thì đương nhiên sẽ bị DN ngoại lấn lướt”, bà Loan nhấn mạnh.

 doanh nghiep

Mặc dù vậy, bà Loan vẫn nhìn thấy những tín hiệu khả quan cho các DN bán lẻ trong nước. Kết quả nghiên cứu “bỏ túi” đối với người tiêu dùng của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam gần đây cho thấy, LotteMart được đánh giá là nơi có sản phẩm giá rất rẻ, trong khi BigC thì không phải mặt hàng nào cũng rẻ. Điểm thú vị nhất là các chuyên gia, người nước ngoài đang ở Việt Nam lại yêu thích hệ thống bán lẻ Việt Nam hơn như Fivi Mart hay Co-op Mart. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều hy vọng về khả năng cạnh tranh của DN bán lẻ Việt, cũng là động lực để DN tăng cường đổi mới phát triển, đặc biệt là khi thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ còn hơn một năm nữa sẽ mở cửa hoàn toàn vào năm 2015.

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM