Mẫu nội quy nhà hàng, quán ăn chi tiết để quản lý nhân viên hiệu quả

Quản lý nhà hàng là một trong các kỹ năng quan trọng mà chủ quán cần phải có để vận hành nhà hàng hiệu quả. Để nhà hàng hàng hoạt động trơn tru, cần phải có các quy định và nội quy nhà hàng, chế tài thưởng phạt hợp lý để các nhân viên nghiêm túc chấp hành. Khi nhân viên có trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ nhiệt tình, khách hàng tới nhà hàng sẽ luôn cảm thấy hài lòng. 

Dưới đây là mẫu nội quy nhân viên được rất nhiều nhà hàng, quán ăn áp dụng. Các chủ quán hãy tham khảo ngay.

nội quy nhà hàng
Nhà hàng cần có nội quy để vận hành hiệu quả

1. Nội quy nhà hàng là gì?

Nội quy nhân viên nhà hàng ăn uống là những quy định những điều nhân viên nên làm và không nên làm trong ca làm việc. Nội quy nhà hàng thường đi kèm cơ chế thưởng phạt rõ ràng để nhân viên phấn đấu và không bị phạm, đảm bảo kỷ luật khi làm việc. 

2. Tại sao cần có nội quy nhân viên?

Xây dựng nội quy nhân viên nhà hàng là một việc rất cần thiết của người quản lý. Dưới đây là một số lợi ích khi ban hành nội quy nhà hàng:

  • Quản lý nhân sự dễ dàng

Các quy chế trong nội quy là cơ sở để chủ nhà hàng quản lý nhân sự, định hướng chuẩn mực khi làm việc cho nhân viên. Đồng thời, nội quy cũng giúp các bộ phận kết nối với nhau trong công việc, vì một mục tiêu chung. 

  • Nâng cao chất lượng dịch vụ

Nội quy nhà hàng ăn uống góp phần thể hiện sự chuyên nghiệp, mang tới cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất về chất lượng dịch vụ từ phục vụ, chế biến, thu ngân. Nhân viên ở các bộ phận sẽ kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, từ đó hạn chế những sai sót, nhầm lẫn không đáng có. 

  • Thúc đẩy sự phát triển của nhân viên

Nhân viên ở từng vị trí dựa vào bảng nội quy chi tiết sẽ dễ dàng hình dung ra công việc mình cần hoàn thành và quyền lợi mà mình được hưởng. Khi hoàn thành xuất sắc công việc của mình, nhân viên sẽ nhận được lương và thưởng tương xứng hoặc được vinh danh trong những buổi họp nhà hàng. Từ đó sẽ thúc đẩy sự nỗ lực, trách nhiệm với công việc của từng nhân viên. 

  • Tuân thủ pháp luật

Nội quy được đặt ra dựa trên khuôn khổ của luật pháp. Nhờ đó chủ nhà hàng, quán ăn có thể quản lý người lao động của mình, không để người lao động có các hành vi vi phạm pháp luật.

nội quy nhân viên
Nội quy nhân viên nhà hàng, quán ăn

3. Các nội dung chính trong nội quy nhà hàng ăn uống

3.1. Quy định chung

3.1.1. Chấm công

Nhân viên cần phải chấm công bằng vân tay trước khi vào ca làm việc và khi hết ca. Dựa vào dữ liệu chấm công để quản lý và kế toán có thể tính lương cho nhân viên và thực hiện phạt khi nhân viên đi muộn về sớm theo quy định.

Riêng với nhân viên thu ngân cần thao tác Mở ca, Kết ca làm việc trên phần mềm quản lý nhà hàng để kiểm soát tiền mặt đầu ca và dòng tiền trong ca cũng như đơn hàng và nguyên liệu trong ca làm đó. 

3.1.2. Về nghỉ phép

Với đặc thù ngành F&B, hàng quán vẫn phục vụ vào buổi tối và tất cả các ngày lễ tết. Chính vì vậy, nhân viên sẽ làm xoay ra, không nghỉ lễ tết và được nghỉ 1 ngày trong tuần theo lịch. Khi nhân viên muốn xin nghỉ phép cần xin phép quản lý trước ngày làm việc đó để quản lý sắp xếp nhân sự thay thế.

3.1.3. Tác phong làm việc

  • Tất cả nhân viên phải ăn mặc gọn gàng, đồng phục nhà hàng phải được giặt ủi sạch sẽ, đầu tóc cắt ngắn gọn gàng (đối với nam) và búi cao (đối với nữ). Trang điểm nhẹ nhàng (đối với nữ), không sử dụng nước hoa quá nồng hay để lộ mùi cơ thể, không đeo vòng tay, trang sức hay đồng hồ quá to, hình thù kì quái. 
  • Luôn có thái độ thân thiện, nhiệt tình phục vụ khách hàng và bình tĩnh xử lý tình huống khi gặp khách hàng khó tính.
  • Không nói chuyện, không sử dụng điện thoại, không hút thuốc hay cười đùa trong giờ làm việc.
  • Khi khách hàng khiếu nại mà không thể giải quyết, báo cho quản lý trực tiếp kịp thời để phục vụ khách hàng tốt nhất.

3.2. Bảo vệ tài sản và bảo mật

Nhân viên phải có trách nhiệm giữ gìn tài sản của nhà hàng, không được mang ra ngoài khi chưa xin phép quản lý. Định kì cần phải kiểm kê các dụng cụ, thiết bị nhà hàng, các nguyên liệu tồn kho.

Khi làm việc, chủ nhà hàng cần cho nhân viên kí cam kết bảo mật thông tin. Cam kết là những quy định về bảo mật các thông tin kinh doanh của nhà hàng như: thông tin khách hàng, menu món ăn, doanh thu hoặc các tài liệu kế toán, tài liệu đào tạo, công thức chế biến, pha chế, quy trình vận hành nhà hàng…

nội quy bếp nhà hàng
Cần tuân thủ nội quy trong nhà hàng

3.3. Vệ sinh an toàn thực phẩm

Khi kinh doanh nhà hàng quán ăn, việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của khách hàng và xây dựng hình ảnh cho quán. Không chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ ở khu vực khách hàng dùng bữa, khu vực bếp nhà hàng, quầy pha chế và khu vực nhà vệ sinh cũng như toàn bộ khuôn viên ngoài trời (nếu có) của nhà hàng. 

Mỗi ngày, nhân viên bếp cần phải vệ sinh sạch sẽ khu vực làm việc của mình và các thiết bị bếp nhà hàng để đảm bảo vệ sinh và hạn chế chuột gián, nấm mốc. Trong quá trình chế biến, nhân viên phải đảm bảo an toàn, tránh cháy nổ, đổ vỡ hay thương tích, bỏng…

Nhân viên bếp, pha chế, phục vụ không được nuôi móng tay dài hay sơn móng tay, cần đeo bao tay khi sơ chế và chế biến món ăn.

3.4. Cơ chế thưởng phạt

3.4.1. Hình thức khen thưởng

Cần có cơ chế khen thưởng trong nội quy nhà hàng khi nhân viên hoàn thành tốt công việc. Chủ nhà hàng nên có tiêu chí tính thưởng rõ ràng để nhân viên phấn đấu, dựa trên tác phong phục vụ, phản hồi của khách hàng, số lượng khách phục vụ hay khối lượng công việc đã hoàn thành trong ca làm việc.

Bạn có thể thưởng tiền mặt hoặc hiện vật cho nhân viên. Trong các cuộc họp tổng kết mỗi tuần, nhân viên được khen thưởng sẽ được vinh danh trước toàn bộ nhân viên cán bộ nhà hàng.

3.4.2. Hình thức xử phạt

Song song cùng cơ chế khen thưởng, nội quy nhân viên nhà hàng ăn uống cũng cần phải có chế tài xử phạt thích đáng để nhân viên không vi phạm các quy định đặt ra. Các hình thức xử phạt như: Nhắc nhở; Phạt cảnh cáo bằng tiền; Cho thôi việc.

Dưới đây là một số lỗi nhân viên nhà hàng có thể mắc phải và hình thức xử phạt tương ứng:

Phạt nhắc nhở:

  • Không giữ gìn vệ sinh cá nhân, mặc trang phục không phù hợp
  • Nói chuyện trong giờ làm việc
  • Sử dụng điện thoại
  • Không thân thiện với khách hàng
  • Quên chấm công
  • Ở lại sau khi hết ca làm việc quá 30 phút

Phạt cảnh cáo bằng tiền:

  • Đi muộn, về sớm không xin phép
  • Mang trang thiết bị nhà hàng ra ngoài
  • Tính sai hóa đơn cho khách hàng
  • Tự ý sử dụng đồ ăn, đồ uống bán cho khách hàng
  • Hút thuốc, nhai kẹo cao su
  • Không vệ sinh bếp sau khi chế biến
  • Thái độ không chuẩn mực với khách hàng

Hình thức kỉ luật cho thôi việc:

  • Trộm cắp tài sản của nhà hàng, khách hàng
  • Cố ý nhận tiền tip mà không được phép
  • Gây rối trong nhà hàng
  • Cố ý làm lộ bí mật kinh doanh, làm tổn hại đến uy tín nhà hàng
  • Phá hoại tài sản trong nhà hàng
  • Sử dụng rượu bia khi đang làm việc
nội quy nhân viên nhà hàng ăn uống
Cơ chế thưởng phạt tại nhà hàng cần minh bạch

Trên đây là những nội dung cơ bản trong bản nội quy nhà hàng dành cho nhân viên để quản lý nhân viên hiệu quả. Chủ nhà hàng ăn uống có thể tham khảo và tùy chỉnh để hợp với hoạt động cũng như văn hóa tại quán của mình. 

Ngoài ra chủ quán có thể sử dụng phần mềm quản lý nhà hàng Sapo FnB để quản lý mọi hoạt động của nhân viên tại quán từ xa. Chỉ cần sử dụng điện thoại cài đặt phần mềm, chủ nhà hàng có thể quản lý được tình hình kinh doanh tại cửa hàng, tổng số khách đang ăn tại quán, đơn hàng và biết được năng suất làm việc của nhân viên. Bạn có thể tìm hiểu về Sapo FnB ngay dưới đây. 

Hi vọng với bảng nội quy nhân viên nhà hàng và phần mềm Sapo FnB, chủ quán có thể quản lý nhà hàng của mình hiệu quả mà không tốn quá nhiều công sức.

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM