Học hỏi kinh nghiệm bán hàng từ bậc thầy gánh hàng rong đường phố

Nghĩ đến gánh hàng rong người ta thường liên tưởng tới những con người tần tảo với vẻ mặt khắc khổ dãi nắng dầm sương, trên vai họ là gánh hàng nặng trĩu, trên miệng khắc khoải những câu rao bán mệt nhoài. Có người thương cảm, có người khinh khi, nhưng chắc hẳn không ai biết ẩn sâu trong những nhọc nhằn ấy là bậc thầy kinh doanh với không ít kinh nghiệm bán hàng mà chưa chắc ông chủ lớn đã hiểu rõ bằng họ. Càng tìm hiểu tôi càng thêm nể phục những con người ấy và cũng rút ra cho mình nhiều bài học kinh doanh hơn.

ganh-hang-rong1

1. Xem bậc thầy chọn địa điểm bán hàng

Thế nào gọi là gánh hàng rong, nghĩa là họ không có cửa hàng cố định, bất kể nơi đâu, bất kể lúc nào, miễn có chỗ cho họ đứng, cho họ đặt gánh hàng thì họ dừng lại. Không cần nói cũng biết có bao nhiêu khó khăn mỗi khi trời mưa trời nắng, mỗi khi chân mỏi tay đau, nhưng một điểm thuận lợi là họ rất dễ chọn địa điểm bán hàng. Mà không phải chọn bừa nhé, chẳng bỗng dưng mà bạn thấy ngay dưới công ty mình có hàng bán xôi buổi sáng, cùng chẳng phải tự nhiên mà cạnh bến xe buýt luôn có không ít thì nhiều những món đồ ăn vặt.

Xem thêm: Nghệ thuật đặt câu hỏi khi bán ở cửa hàng

Tính toán cả đấy, những bậc thầy hàng rong chẳng qua trường lớp như ông cử bà tiến nào cả, nhưng họ biết phân tích để chọn chỗ nào bán đắt khách nhất. Đặc điểm của hàng rong là hay bán ở lề đường, khách chỉ cần tấp lại là mua được đồ, vì thế họ luôn tránh chỗ nào hay bị tắc nghẽn nhưng vẫn có lưu lượng người qua lại đông, như là cách xa ngã tư vài trăm mét chẳng hạn. Và có bao giờ bạn đi ngoài đường mà phải nức mũi vì mùi thịt xiên nướng, mùi bắp rang bơ mỗi khi chiều về tan ca chưa? Nghe thì đơn giản nhưng bạn phải nắm được hai bí quyết, một là chọn nơi đầu gió để đứng bán hàng, hai là chọn đúng lúc sắp tới bữa người người được về nhà mà bán.

Những người bán hàng rong còn dạy cho chúng ta ở đâu thì nên bán gì, chọn đúng thị trường để phát triển. Ví như cạnh trường học thì có hàng xúc xích rán, hàng bắp rang, hàng kem dạo nhưng cạnh nơi công sở thì thường là sạp trà chanh, cà phê đá.

Đúng nơi, đúng thời điểm, mọi thứ sẽ trở nên hoàn hảo!

ganh-hang-rong2

2. Bậc thầy làm hài lòng khách hàng

Tôi có kể chuyện vui cho cô bạn mình thế này, đi mua gói xôi, đứng đợi bà bán hàng mà được dịp dốc hết lòng tâm sự. Mở đầu là vài ba câu hỏi giá hỏi ăn xôi gì, sau đấy bà ấy hỏi tôi làm ở đâu rồi làm thế nào. Nhìn bàn tay thoăn thoắt nào xới nào nắm gói xôi nóng hổi, lại nghe giọng điệu hỏi han thân thiết, bất tri bất giác tôi tâm sự với bà chuyện trên trời dưới bể, nào là sếp tôi keo kiệt ra sao, nào là công sở như một cuộc chiến tâm lý với hàng tá người sống hai mặt. Kết thúc câu chuyện, tôi cầm gói xôi đi và kể từ đó trở thành khách quen của bà ấy.

Câu chuyện bình thường nhưng lại chứa đựng những điều phi thường. Bạn nghĩ xem, bà bán hàng rong thì biết cái gì về chuyện công sở cơ chứ, biết gì về biến động thị trường nào, thế nhưng bà ấy vẫn có thể trò chuyện tâm sự với tôi nhưng đúng rồi vậy. Vì bà ấy biết nhìn nét mặt tôi mà đưa đẩy câu chuyện, biết làm sao để khiến tôi vui vẻ. Chẳng thế mà bao nhiêu người từ trẻ đến già, từ đàn ông đến đàn bà đều muốn mua xôi của bà ấy, cũng không phải vì xôi ngon, xôi đặc biệt gì.

Người bán hàng rong không có kiến thức uyên bác như cử nhân hay tiến sĩ, nhưng họ có trải nghiệm thực tế, họ có người thầy vĩ đại là “cuộc đời”. Chính vì vậy nghệ thuật làm hài lòng khách hàng của họ đã lên đến bậc tông sư. Điều này dạy cho chúng ta biết hãy lèo lái theo hướng suy nghĩ của khách hàng, cho họ sự thoải mái và cảm giác tin tưởng

3. Nghệ thuật Marketing điêu luyện

“Bánh mỳ Sài Gòn đặc ruột thơm bơ! Bánh mỳ Sài Gòn một ngàn một ổ!”. Chắc hẳn trong chúng ta không ít người còn nhớ giữa buổi chiều cuối đông miền Bắc lại nghe vang vẳng tiếng rao đậm chất Sài Thành ấy, âm thanh là lạ dễ dàng cuốn hút người ta. Chỉ là đôi câu ngắn ngủi nhưng lại in đâm vào tâm trí khách hàng, không phải chỉ vì giọng Nam lạ lẫm mà còn vì thông điệp chứa trong đó. Hai câu rao hàng đơn giản mà có cả thông tin về nguồn gốc, giá cả và đặc trưng của sản phẩm, liệu rằng những thương hiệu nổi tiếng có chắc làm được như vậy khi thực hiện chiến dịch Marketing hay không?

Hay là những câu rao hàng vui tai kiểu này: “Bong bóng bay, bay từ Hà Tiên, xuyên qua Châu Đốc, xốc xuống Vũng Tàu, nhào qua Chợ Lớn, sẵn trớn xuống Bạc Liêu...”. Đây hoàn toàn không phải việc làm cho có, làm cho “vui cửa vui nhà” đâu nhé, là nghệ thuật cả đấy. Người đi đường nghe được liền tò mò, họ dừng lại xem người ta rao bán gì, rồi họ hỏi giá, thấy cũng rẻ thì họ mua. Có thể nói đây là cách gây chú ý cực kì hiệu quả, nó cần cái duyên của người bán, cần khả năng sáng tạo của họ.

Kinh nghiệm bán hàng ở đây là gì, đó là phải biết tạo ấn tượng khi làm chiến dịch tiếp thị bằng những ý tưởng độc đáo, các khẩu hiệu phải ngắn gọn, đúng trọng tâm, sử dụng những hình ảnh đặc trưng.

4. Khả năng xử lý tình huống khéo léo

ganh-hang-rong3Kinh doanh không có gì là bất biến, thị trường càng là một ẩn số với những thay đổi khó lường. Làm nghề bán hàng rong phải đối mặt trực tiếp với khách hàng, vừa là người bán vừa là người tiếp thị đồng thời cũng kiêm luôn dịch vụ tư vấn, chăm sóc, vì thế nên chủ gánh hàng thường phải có sự khéo léo khi xử lý những tình huống bất ngờ. Ví dụ có một lần tôi đi mua dưa hấu ở sạp hàng ven đường, đang dứng chọn quả thì có người phụ nữ xồng xộc chạy đến, chỉ mặt vào anh chủ mắng anh là đồ lừa đảo, rõ ràng là dưa vỏ dày mà ăn nhạt nhưng lại rêu rao rằng ăn ngọt lắm, cùi mỏng lắm. Thấy vậy mấy người cũng đang chọn quả như tôi thoáng chần chừ, thậm chí còn lắc đầu định bỏ đi.

Anh chủ kia rất bình tĩnh, hỏi han tử tế người đang không tiếc lời mắng nhiếc mình, lòng vòng một hồi cũng có thể thấy chị kia chỉ đang phá rối mà thôi. Mặc dù biết là có người chơi khăm mình nhưng nếu lên tiếng đôi co thì không hay, còn bỏ mặc thì ai dám đến mua hàng của mình nữa. Mọi người đang hết sức hoang mang thì bỗng nhiên anh chủ cầm con dao to đùng “phập” một cái bổ đôi quả dưa trên sập của mình. Tất cả sững sờ, chị kia đang nói liên miên cũng sợ xanh mặt. Tưởng mọi chuyện căng thẳng nhưng anh chủ lại lập tức cười xòa, hể hả đưa nửa quả dưa cho người phụ nữ, bảo là có gì anh ta xin lỗi, còn nửa quả này tặng chị ta làm hòa. Nhìn nửa quả dưa có phần thịt đỏ mọng, nước vẫn chảy tươi mới, phần cùi thì rất mỏng khiến ai cũng phải tấm tắc, chị kia thấy vậy đành hậm hực quay về.

Thế đấy, mang tiếng là bán hàng rong như tính cạnh tranh rất cao,  việc lợi dụng chiêu trò không đẹp cũng chẳng phải chuyện hiếm, cái khó là làm sao để xử lý cho tốt thôi. Như cách làm của anh chủ kia, một nhát dao vừa để dọa cũng vừa để chứng minh, chẳng cần nhiều lời làm gì. Tất nhiên phải nói đến sự tự tin vào sản phẩm của mình, nhưng nếu là người thiếu kinh nghiệm thì cũng chưa chắc bạn có thể xử lý tốt như vậy trong thời gian ngắn.

Điều cần nhớ ở đây là phải bình tĩnh, biết làm thế nào để hài lòng đôi bên, không phải cứ cãi thắng là tốt. Sẽ có người nói anh chủ kia cần gì phải tặng nửa quả dưa hấu cho kẻ phá rối, chỉ chứng minh là đủ rồi. Nhưng hành động này theo tôi là rất khôn ngoan, vừa thể hiện thiện chí vừa cho những người xung quanh biết anh ta bán hàng luôn lấy tôn chỉ tôn trọng lên hàng đầu, không đôi co với khách. Việc dứt khoát bổ đôi quả dưa hấu còn cho thấy cách làm dứt khoát như một lời răn đe, rằng đây là lần đầu và sẽ là lần cuối cho tình trạng chơi xấu như vậy.

Xem them: Bạn sẽ chốt sale nhanh chóng với 9 bước telesale đỉnh cao này

Qua một số điều mà chúng tôi đã chia sẻ bạn đã nhìn thấy những kinh nghiệm bán hàng bậc thầy của người bán hàng rong chưa? Họ có thể không bằng cấp nhưng chính kiến thức từ cuộc sống của họ mới là điều mà chúng ta nên học, nhất là trong kinh doanh.

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM