Định giá doanh nghiệp là gì? Các phương pháp định giá doanh nghiệp

Đối với mỗi doanh nghiệp, việc trả lời cho câu hỏi “Doanh nghiệp của tôi đáng giá bao nhiêu?” là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp startup đang trong quá trình gọi vốn. Vậy trên thực tế định giá doanh nghiệp là gì và đâu là những phương pháp định giá doanh nghiệp mà bạn cần biết? Hãy cùng Sapo.vn tìm hiểu ngay trong những chia sẻ dưới đây.

1. Định giá doanh nghiệp là gì?

Định giá doanh nghiệp trên thực tế chính là việc xác định giá trị doanh nghiệp thông qua các phương pháp định giá doanh nghiệp. Giá trị của một doanh nghiệp được biểu hiện bằng tài chính từ các khoản thu nhập các nhà đầu tư thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

định giá doanh nghiệp

Giá trị của doanh nghiệp theo đó không chỉ đơn thuần là giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp mà chính là Tổng giá trị của tất cả các tài sản sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó nhằm mang lại lợi ích cho các chủ sở hữu và nhà cung cấp tín dụng. 

Giá trị vốn chủ sở hữu chỉ là một phần của giá trị doanh nghiệp. Có thể hiểu cụ thể giá trị doanh nghiệp thông qua công thức:

Giá trị vốn chủ sở hữu = Giá trị doanh nghiệp - Giá trị nợ phải trả

Giá trị mà một doanh nghiệp mang lại cho các nhà đầu tư có thể xem xét dựa trên 2 góc độ: Giá trị thanh lý và Giá trị hoạt động liên tục. Trong đó:

  • Giá trị thanh lý chính là toàn bộ số tiền được tạo khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động và bán tất cả tài sản của nó.
  • Giá trị hoạt động liên tục là giá trị hiện tại của dòng tiền tạo ra trong tương lai từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Xem thêm: Sự khác biệt giữa vốn hóa thị trường và giá trị doanh nghiệp là gì?

2. Các phương pháp định giá doanh nghiệp ở Việt Nam

2.1 Dựa vào bảng cân đối kế toán

Theo bảng cân đối kế toán, giá trị doanh nghiệp sẽ là giá trị của phần tài sản báo cáo trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm muốn xác định giá trị doanh nghiệp.

Ưu điểm của phương pháp này khá đơn giản tuy nhiên cũng tồn tại nhược điểm lớn là hầu hết giá trị của tài sản được báo cáo trên bảng cân đối đều là giá trị lịch sử nên tính hữu ích sẽ khá hạn chế. Do đó, phương pháp này thường chỉ mang tính lý thuyết và ít được sử dụng nhiều trong thực tế.

2.2 Phương pháp dựa vào kết quả kiểm kê và đánh giá lại tài sản

Phương pháp này được đánh giá dựa trên kết quả kiểm kê và đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp dựa theo giá trị thị trường tại thời điểm muốn định giá. Đây là phương pháp đòi hỏi các chuyên gia định giá doanh nghiệp cần trực tiếp kiểm kê và đánh giá lại giá trị của từng tài sản doanh nghiệp.

định giá doanh nghiệp

Phương pháp này cung cấp thông tin khá tin cậy về giá trị thị trường của tổng tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm định giá. Tuy nhiên, thông tin chỉ thể hiện giá trị tại trạng thái tĩnh - giá trị thanh lý doanh nghiệp. 

Mặt khác, mục đích thông thường của việc định giá doanh nghiệp là đưa ra các quyết định kinh doanh trong tương lai. Nghĩa là xem xét doanh nghiệp trong trạng thái hoạt động liên tục chứ không phải khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. 

Do đó, ngoài việc cung cấp thông tin trong trường hợp giải thể hay phá sản, phương pháp định giá doanh nghiệp này thường có rất ít giá trị thực tế. 

2.3 Phương pháp chiết khấu dòng tiền

Phương pháp này định giá doanh nghiệp là giá trị hiện tại của dòng tiền tự do trong tương lai của doanh nghiệp. Dòng tiền tự do này thường là dòng tiền dành cho cả chủ sở hữu và chủ nợ. 

Phương pháp này có một ưu điểm hơn các phương pháp trên là xác định giá trị doanh nghiệp trong trạng thái hoạt động liên tục chứ không phải trong trạng thái thanh lý. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này chính là cách tiến hành tương đối phức tạp. Giá trị doanh nghiệp sẽ được tính bằng: PV (dòng tiền trong tương lại cho chủ sở hữu và chủ nợ)

Điểm mấu chốt của phương pháp này chính là xác định dòng tiền tự do trong tương lai của doanh nghiệp và xác định chi phối vốn bình quân để chiết khấu dòng tiền đó về giá trị hiện tại. 

Quy trình xác định giá trị doanh nghiệp thông qua phương pháp chiết khấu dòng tiền sẽ bao gồm các bước:

  • Bước 1: Xác định dòng tiền tự do trong tương lai của doanh nghiệp
  • Bước 2: Xác định giá trị cuối cùng

Xem thêm: Cách quản lý dòng tiền trong kinh doanh hiệu quả

2.4 Phương pháp chiết khấu dòng lợi nhuận khác thường

Các chủ sở hữu của doanh nghiệp đều có yêu cầu vào một tỷ lệ sinh lời nhất định trên số vốn mà họ đầu tư vào doanh nghiệp, đó chính là chi phí vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này được gọi là tỷ lệ sinh lời thông thường. 

Đối với tỷ lệ sinh lời thông thường, mỗi doanh nghiệp đều có một khoản lợi nhuận thông thường là Tỷ lệ sinh lời thông thường * Giá trị vốn chủ sở hữu

Tuy nhiên, lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp sẽ có thể đúng bằng hoặc khác với mức lợi nhuận thông thường. Trong khi đó, lợi nhuận khác thường chính là chênh lệch giữa tổng lợi nhuận thực tế và lợi nhuận thông thường của doanh nghiệp. 

Lợi nhuận khác thường = Lợi nhuận - (Chi phí vốn chủ sở hữu * Giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu đầu kỳ)

định giá doanh nghiệp

2.5 Phương pháp định giá trên cơ sở so sánh giá trị thị trường

Nếu ở 2 phương pháp chiết khấu dòng tiền và chiết khấu lợi nhuận ở trên, việc dự đoán chi tiết nhiều năm là điều bắt buộc. Do đó, nhiều nhà phân tích sẽ ít tin tưởng vào các con số dự đoán của 2 phương pháp này.

Thay vào đó, một phương pháp định giá doanh nghiệp khác mà nhà phân tích có thể sử dụng là dựa vào cơ sở so sánh giá trị thị trường của các doanh nghiệp tương đồng. Theo đó, phương pháp này cần phải dựa vào thị trường, cũng chính là việc đánh giá các triển vọng ngắn hạn và dài hạn về sự phát triển và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp có sự tương đồng. 

Nhà phân tích từ đó có thể giả định rằng việc định giá các doanh nghiệp đó cũng có thể áp dụng được cho doanh nghiệp đang cần định giá. Phương pháp này khá khó khăn trong việc lựa chọn các doanh nghiệp tương đồng.

Cùng với đó, việc giải thích sự khác biệt hệ số giá giữa các doanh nghiệp cũng như việc áp dụng hệ số giá của các doanh nghiệp khác nhau vào doanh nghiệp đang cần định giá đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng tới hệ số giá đó. 

Tuy nhiên, phương pháp này lại đặc biệt có ích trong việc định giá các doanh nghiệp không niêm yết trên thị trường chứng khoán với cơ sở số liệu chủ yếu là các báo cáo tài chính doanh nghiệp và thông tin trên thị trường chứng khoán. 

Định giá doanh nghiệp hay xác định giá trị doanh nghiệp luôn là một vấn đề khó khăn và không chắc chắn. Các phương pháp được sử dụng để định giá doanh nghiệp đều không thể giải quyết được trọn vẹn vấn đề mà chỉ có thể ước lượng tương đối giá trị của doanh nghiệp. 

Trên đây là những thông tin quan trọng về định giá doanh nghiệp mà người kinh doanh cần nắm vững. Sapo hy vọng rằng những chia sẻ trên của chúng tôi có thể giúp bạn hiểu rõ về giá trị của doanh nghiệp mình.

Xem thêm: 4 kiểu đối thủ cạnh tranh mọi doanh nghiệp phải đối đầu

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM