Sau 2 phiên livestream đầu tiên trong chuỗi chương trình “Tháo gỡ khúc mắc, khó khăn cho hộ kinh doanh”, rất nhiều câu hỏi thực tế đã được gửi về từ cộng đồng nhà bán hàng, xoay quanh các vấn đề về mã số thuế, địa chỉ kinh doanh, hóa đơn điện tử và quy định thuế GTGT mới từ 1/7/2025.
Để giúp hộ kinh doanh dễ dàng nắm bắt và áp dụng đúng, Sapo đã tổng hợp lại các câu hỏi tiêu biểu cùng phần giải đáp trực tiếp từ các chuyên gia thuế hàng đầu như bà Lê Thanh Huyền (Hanoitax), ông Nguyễn Duy Cảnh (Hanoitax) và TS. Trịnh Thị Thanh Loan (ĐH Thủy Lợi).
Trong phần 1 này, mời bạn cùng tìm hiểu kỹ hơn về những điểm thay đổi quan trọng trong chính sách thuế và hóa đơn điện tử từ 1/7 – bao gồm cập nhật CCCD trên hóa đơn, xử lý khi thay đổi địa chỉ, cơ quan thuế và một số tình huống hộ kinh doanh thường gặp.
Phiên 1: Những thay đổi về hoá đơn điện tử theo quy định mới từ 1/7
Từ ngày 1/7/2025, nhiều quy định mới về hóa đơn điện tử chính thức có hiệu lực, yêu cầu hộ kinh doanh cập nhật kịp thời thông tin mã số thuế sang CCCD, địa chỉ theo địa giới hành chính mới và cơ quan thuế quản lý theo mô hình chính quyền hai cấp. Những thay đổi này nếu không nắm rõ có thể khiến người bán thấy khó khăn khi xuất hóa đơn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Câu 1: Thuế khoán với thuế kê khai khác gì nhau? (Bảo Yến)
Bà Lê Thanh Huyền - Giám đốc khối hộ, cá nhân kinh doanh Hanoitax trả lời:
Hộ kinh doanh nộp thuế khoán sẽ trả mức thuế cố định hằng tháng, dựa vào doanh thu và quy mô đã khai đầu kỳ. Cơ quan thuế xác định mức khoán theo thực tế khu vực, hộ không cần ghi sổ sách nhưng nên lưu hóa đơn đầu vào. Hằng năm (cuối tháng 11 – đầu tháng 12), hộ phải khai lại doanh thu để điều chỉnh mức khoán cho năm sau.
Hộ kê khai phải xuất hóa đơn điện tử, kê khai doanh thu theo tháng hoặc quý, và nộp thuế theo doanh thu thực tế. Thuế suất tùy ngành: bán hàng 1,5%, sản xuất 4,5%, dịch vụ như massage, tư vấn là 7%. Nếu đủ điều kiện, hộ có thể được miễn/giảm thuế GTGT (ví dụ: từ 10% xuống 8%). Hộ kê khai không cần quyết toán thuế cuối năm, hạn nộp tờ khai là ngày 20 (nếu kê khai tháng) hoặc cuối tháng sau quý (nếu kê khai quý).
Một số lưu ý khác: Mã số thuế hộ kinh doanh đã được cơ quan thuế tự động cập nhật theo số CCCD (đuôi 001 hoặc 888). Khi nộp tờ khai mẫu 01/CNKD cần kèm bảng kê 01-2/BK-HĐKD. Nếu khai online bị lỗi, có thể dùng phần mềm HTKK để nộp file XML. Đặc biệt, với kỳ khai tháng 6/2025 hoặc quý 2/2025, nếu có bán hàng hóa được giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 174/2024/QH15, cần đính kèm phụ lục ưu đãi để được áp dụng đúng mức.

Câu 2: Kinh doanh online nhưng bán mà quên không lập hoá đơn vậy thì có bị coi là vi phạm không? (Mai An)
Bà Lê Khánh Linh - Giám đốc Chuyên môn Hanoitax trả lời:
Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, hộ kinh doanh khoán có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên và hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai thì bắt buộc phải lập hóa đơn khi bán hàng.
Nếu hộ kinh doanh thuộc đối tượng trên, mà không phát hành hóa đơn khi bán hàng, thì có thể bị xử phạt hành chính vì hành vi không xuất hóa đơn.
Mức phạt hiện hành với hộ kinh doanh là từ 10 đến 20 triệu đồng đồng cho mỗi lần vi phạm.
Vì vậy, lời khuyên cho hộ kinh doanh rằng mỗi lần bán hàng, hãy phát hành hóa đơn đầy đủ, tránh bị xử phạt không đáng có.

Câu 3: Tôi bán hàng thời trang, trường hợp mà khách không cung cấp CCCD hay có khi chỉ nói miệng thì có xuất hoá đơn không? (Tố Uyên)
Bà Lê Khánh Linh - Giám đốc Chuyên môn Hanoitax trả lời:
Việc bắt buộc ghi thông tin CCCD trên hóa đơn phụ thuộc vào loại hóa đơn mà hộ kinh doanh sử dụng:
- Nếu dùng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, thì bắt buộc phải ghi đầy đủ thông tin người mua là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Trường hợp người mua là cá nhân không kinh doanh nếu cung cấp mã số thuế, số định danh cá nhân thì trên hóa đơn phải thể hiện mã số thuế, số định danh (CCCD) cá nhân, nếu không cung cấp thì không phải thể hiện ..
- Nếu dùng hóa đơn phát hành từ máy tính tiền (dành cho bán lẻ, xuất tại điểm bán), thì không bắt buộc ghi CCCD, chỉ cần có tên, địa chỉ người mua là đủ.

Câu 4: Khu vực của em vừa sáp nhập, nếu chưa cập nhật địa chỉ mới thì hoá đơn mà em xuất có bị truy thu hay phạt không? (Bảo Ngọc)
Bà Lê Thanh Huyền - Giám đốc khối hộ, cá nhân kinh doanh Hanoitax trả lời:
Khi khu vực hành chính có sự sáp nhập hoặc điều chỉnh, hộ kinh doanh không bắt buộc phải làm lại đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng ký đã có hướng dẫn: chỉ khi cần thay đổi nội dung khác thì mới cập nhật kèm theo địa chỉ mới.
Về hóa đơn:
- Với hóa đơn đầu ra, hộ kinh doanh có thể chủ động cập nhật địa chỉ mới trên phần mềm hóa đơn điện tử để thể hiện đúng địa giới hành chính hiện tại.
- Với hóa đơn đầu vào (người khác xuất cho mình), ở thời điểm chuyển giao, việc sử dụng địa chỉ cũ hay mới đều không bị xử phạt, miễn là thống nhất và hợp lý.
Khuyến nghị: Nên sử dụng địa chỉ theo địa giới hành chính mới cho cả hóa đơn đầu ra và đầu vào để đảm bảo tính nhất quán. Hộ kinh doanh có thể tra cứu địa chỉ mới tại trang tracuunnt.gdt.gov.vn hoặc kiểm tra thông báo từ cơ quan thuế.

Câu 5: Giờ em kinh doanh hoàn toàn trên sàn TMĐT, thì có phải mua hoá đơn và phát hành hóa đơn không? (Nguyễn Hà)
Bà Lê Thanh Huyền - Giám đốc khối hộ, cá nhân kinh doanh Hanoitax trả lời:
Dù hộ kinh doanh hoạt động 100% trên nền tảng TMĐT, vẫn cần thực hiện đầy đủ hai nghĩa vụ riêng biệt:
- Nộp thuế: Từ 1/7/2025, các sàn có chức năng thanh toán như Shopee, Lazada… đã khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh theo quy định mới.
- Xuất hóa đơn: Đây là nghĩa vụ riêng, không đồng nghĩa với việc đã nộp thuế là không cần xuất hóa đơn. Nếu hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai hoặc hộ khoán có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên, thì bắt buộc phải phát hành hóa đơn cho từng đơn hàng bán ra, kể cả khi hoạt động chỉ diễn ra trên sàn.
Việc không phát hành hóa đơn đúng quy định có thể dẫn đến vi phạm và bị xử phạt, dù thuế đã được sàn nộp thay.

Phiên 2: Từ 1/7, giao dịch thế nào mới được khấu trừ thuế?
Từ tháng 7/2025, một số nội dung quan trọng trong Luật Thuế giá trị gia tăng chính thức có hiệu lực, kéo theo nhiều thay đổi trong cách tính, khấu trừ và thanh toán thuế. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp cần lưu ý đến quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, bởi những giao dịch từ 5 triệu đồng trở lên nếu không chuyển khoản sẽ không đủ điều kiện khấu trừ thuế, còn đối với hộ kinh doanh mặc dù không ảnh hưởng nhiều bởi quy định này nhưng nên thanh toán không dùng tiền mặt để thuận tiện và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Câu 1: Hộ kinh doanh doanh thu trên 200 triệu sẽ phải nộp thuế GTGT phải không? (Ngọc Duy)
Ông Nguyễn Duy Cảnh - Trưởng ban Giám sát đào tạo Hanoitax trả lời:
Theo Luật Thuế GTGT mới (số 48/2024), từ ngày 1/1/2026, hộ kinh doanh có doanh thu trên 200 triệu/năm phải nộp thuế. Với hộ khoán, mức thuế sẽ dựa vào doanh thu ước tính do cơ quan thuế xác định. Với hộ kê khai, căn cứ vào doanh thu xuất hóa đơn.
Dù quy định về thanh toán chuyển khoản từ 5 triệu ít ảnh hưởng đến hộ, nhưng vẫn nên áp dụng để minh bạch và thuận tiện. Hộ cần chuẩn bị xác định phương pháp tính thuế phù hợp, chờ hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế.

Câu 2: Ký chậm hoá đơn thì có bị phạt xuất hoá đơn sai thời điểm không? Và có bị phạt lỗi chậm truyền thông tin hoá đơn lên cơ quan thuế không? (Thu Hoài)
Ông Nguyễn Duy Cảnh - Trưởng ban Giám sát đào tạo Hanoitax trả lời:
Theo Điều 30 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hành vi ký số chậm dẫn đến chậm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, ví dụ chậm chuyển dữ liệu quá thời hạn từ 1–5 ngày sau khi lập hóa đơn có thể bị xử phạt từ 2–5 triệu đồng, mức phạt trung bình là 3,5 triệu đồng.
Để tránh bị xử phạt, hộ kinh doanh cần ký số ngay sau khi lập hóa đơn để gửi dữ liệu hóa đơn lên cơ quan thuế (CQT) đúng hạn. Có thể chọn cách tổng hợp và gửi dữ liệu theo ngày, nhưng vẫn cần gửi dữ liệu hóa đơn lên cơ quan thuế ngay trong ngày .
Nếu đang dùng Sapo, hệ thống đã hỗ trợ khởi tạo hóa đơn từ máy tính tiền và gửi dữ liệu hóa đơn điện tử lên CQT tự động, giúp giảm nguy cơ chậm ký số. Ngoài ra, Sapo cung cấp 3 loại chữ ký số khác nhau, và cho phép cài đặt khung giờ ký số tự động để phù hợp với từng mô hình kinh doanh.

Khép lại hai phiên livestream đầu tiên, sự đồng hành của các chuyên gia đến từ Hanoitax đã mang đến nhiều thông tin cập nhật quan trọng, giúp hộ kinh doanh hiểu rõ hơn các thay đổi từ tháng 7/2025 như: sử dụng mã số định danh cá nhân (CCCD) thay cho mã số thuế, quy định mới về hóa đơn điện tử, đặc biệt là việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền.
Nhiều tình huống thực tế đã được giải đáp chi tiết, dễ hiểu, giúp nhà bán hàng điều chỉnh hoạt động kinh doanh kịp thời và đúng quy định.
Không chỉ dừng lại ở phần trao đổi chuyên môn, đội ngũ Sapo cũng luôn đồng hành xuyên suốt buổi phát sóng, hỗ trợ người dùng thao tác phần mềm – từ theo dõi doanh thu, tính thuế, chuẩn hoá thông tin hộ kinh doanh, cho đến hướng dẫn đăng ký và phát hành hóa đơn điện tử qua phần mềm Sapo Invoice.
Nếu bạn đang tìm giải pháp hóa đơn điện tử dễ dùng – đúng luật – kết nối ngay với phần mềm bán hàng, hãy khám phá ngay Sapo Invoice.