Bếp mở (Show Kitchen) là gì? Có nên áp dụng mô hình bếp mở vào kinh doanh nhà hàng không?

Bếp mở (Show Kitchen) là mô hình bếp nhà hàng còn khá mới ở Việt Nam. Với mô hình bếp mở, khách hàng có thể tận mắt chiêm ngưỡng đầu bếp chế biến món ăn ngay tại bàn. Tuy nhiên mô hình này cũng có những ưu nhược điểm nhất định. Nếu còn đang phân vân không biết có nên ứng dụng mô hình bếp mở vào kinh doanh hay không, chủ quán hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời.

bếp mở
Mô hình bếp mở tại nhà hàng

1. Bếp mở nhà hàng là gì?

Bếp mở (Show Kitchen/ Open kitchen) là một mô hình bếp nhà hàng khá thịnh hành ở các nước phương tây. Ở mô hình nhà hàng truyền thống, khu vực bếp sẽ tách biệt với khu vực quầy thanh toán và khu khách hàng dùng bữa. Việc tách biệt khu vực bếp ở nhà hàng truyền thống sẽ giúp khách hàng không bị ảnh hưởng bởi mùi hay khói trong quá trình chế biến thức ăn. 

Đối với mô hình bếp mở, đầu bếp chế biến món ăn ngay tại bàn ăn của khách hàng hoặc khu vực bếp chế biến có không gian mở, khách hàng có thể nhìn thẳng vào trong. Khách hàng có thể chiêm ngưỡng quá trình chế biến món ăn như xem một show biểu diễn. Thực khách sẽ thấy được mọi thứ trong bếp mở và theo dõi toàn bộ quy trình chế biến món ăn đến khi hoàn thiện và được đầu bếp phục vụ tại bàn. 

Một số nhà hàng Sushi tại Việt Nam cũng đang áp dụng mô hình bếp mở này và được khách hàng khá đón nhận vì biết được quy trình chế biến, cũng như an tâm về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của bếp.

show kitchen
Bếp mở tại nhà hàng Sushi

Đọc thêm: Cách quản lý bếp nhà hàng tăng hiệu suất công việc

2. Ưu điểm của mô hình bếp mở

2.1. Tăng tương tác với khách hàng

Khi chế biến đồ ăn tại bếp mở, các thực khách có thể theo dõi được quá trình chế biến của đầu bếp. Để cho bữa ăn thêm phần đặc sắc, các đầu bếp có thể biểu diễn những tuyệt kĩ nấu nướng để các thực khách được cơ hội chiêm ngưỡng. Chính điều này sẽ làm tăng tương tác với thực khách. Đầu bếp có thể trò chuyện hoặc giải đáp những câu hỏi của khách hàng hoặc giải thích cách chế biến món ăn. 

2.2. Tối ưu không gian cho nhà hàng

mô hình nhà hàng truyền thống, khu bếp sẽ tách biệt với khu vực tiếp khách và có không gian kín. Ở mô hình bếp mở, khu bếp sẽ nằm trong khu vực thực khách dùng bữa, từ đó giúp tiết kiệm diện tích cho nhà hàng. Chính vì vậy thiết kế bếp mở phù hợp với những nhà hàng vừa và nhỏ. Tuy nhiên khi khu vực bếp ở sát khu vực ăn uống của khách hàng, nhà hàng nên lắp đặt hệ thống hút mùi hợp lý để khách hàng không bị ngập trong khói và mùi thức ăn.

2.3. Tạo cảm giác an tâm cho thực khách khi dùng bữa

Được tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình chế biến món ăn, thực khách sẽ được thấy những nguyên liệu được sử dụng. Khách hàng cũng sẽ thấy được cách chế biến món ăn tỉ mỉ của người đầu bếp và được thưởng thức thành quả cuối cùng. 

Tại cửa hàng Pizza 4P’s, bếp nhà hàng luôn là Show kitchen với không gian mở nhất. Tại đây, khách hàng có thể vừa dùng bữa vừa xem đầu bếp làm bánh pizza. Tận mắt xem quá trình chế biến món ăn, khách hàng sẽ cảm thấy ngon miệng hơn và an tâm hơn khi dùng bữa.

bếp mở nhà hàng
Bếp mở tại Pizza 4P's

2.4. Tạo cảm hứng cho đầu bếp

Nếu việc nấu nướng là nghệ thuật thì chắc chắn người đầu bếp sẽ là một nghệ sĩ. Được khách hàng chiêm ngưỡng quá trình nấu nướng và hưởng ứng nhiệt tình, đầu bếp sẽ có thêm cảm hứng và hứng thú làm việc. 

2.5. Thể hiện sự chuyên nghiệp cho nhà hàng

Với không gian bếp mở, khách hàng sẽ thấy được tất cả các thiết bị bếp nhà hàng hiện đại như bếp âu, bếp công nghiệp, lò nướng, tủ đông, nồi chiên… Khách hàng sẽ biết được để làm ra món ăn mình yêu cầu, nhà hàng đã phải đầu tư rất nhiều thiết bị hiện đại, an toàn và vệ sinh. Từ đó, hình ảnh nhà hàng sẽ trở nên thật chuyên nghiệp và đẳng cấp.  

3. Hạn chế của mô hình show kitchen

Song song với những ưu điểm mà mô hình bếp mở mang lại, nhà hàng cũng sẽ phải đối mặt với những hạn chế của mô hình này. 

3.1. Không gian mở như con dao 2 lưỡi

Bạn hãy thử tưởng tượng khi nhà hàng đông khách, order liên tục được chuyển vào bếp và người đầu bếp thì không thể nào có 3 đầu 6 tay. Vào giờ cao điểm, không gian bếp sẽ trở nên lộn xộn hơn, đồ ăn vương vãi cũng nhiều hơn trong quá trình chế biến. Và thật tệ nếu như khách hàng nghe thấy những tiếng khó chịu hay quát mắng trong bếp.

Không gian mở như con dao 2 lưỡi. Chính vì vậy, căn bếp mở cần được thiết kế sao cho khách hàng chỉ có thể thấy được khu vực chế biến mà không thấy được khu vực sơ chế. Chỉ cần một chút sơ sẩy nhỏ và để căn bếp không vệ sinh, khách hàng sẽ có đánh giá không tốt về nhà hàng. Đương nhiên, họ không thể yên tâm dùng bữa.

không gian bếp mở
Không gian bếp mwor nên được thiết kế khéo léo

3.2. Mất nhiều thời gian vệ sinh

Sạch sẽ là yếu tố quan trọng nhất mà mô hình bếp mở cần quan tâm. Sau khi chế biến xong, bếp cần ngay lập tức được làm sạch. Các dụng cụ chế biến cũng phải được rửa sạch, sấy khô và sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Các thiết bị bếp cũng cần được vệ sinh thường xuyên để không bị bám dầu hay cặn bẩn.

3.4. Tốn chi phí đầu tư thiết bị

Để gây ấn tượng với khách hàng, nhà bếp cần được trang bị các thiết bị bếp hiện đại nhất. Ngoài ra, nhà hàng nên đầu tư hệ thống hút mùi để khách hàng không bị khó chịu khi bị khói và mùi đồ ăn bao vây.

3.5. Đầu bếp là những người chuyên nghiệp

Ngoài chuyên môn nấu nướng, đầu bếp của mô hình bếp mở cần phải có thêm kĩ năng biểu diễn và kĩ năng giao tiếp với khách hàng. Một người đầu bếp luôn thân thiện và tử tế với khách hàng sẽ nhanh chóng có được thiện cảm của khách hàng. Từ đó, khách hàng sẽ có những trải nghiệm tốt nhất khi dùng bữa tại nhà hàng. 

bếp mở 2
Đầu bếp biểu diễn tài nghệ nấu nướng tại bếp mở

Bài viết trên đây đã giúp bạn hình dung ra mô hình bếp mở - Show kitchen/ open kitchen là gì, cũng như ưu - nhược điểm của mô hình này. Nếu chủ quán muốn thử sức với mô hình bếp mở, hãy chú trọng đến khâu thiết kế bếp nhà hàng gắn liền với không gian ăn uống của khách hàng. Vấn đề vệ sinh của bếp phải luôn được đảm bảo để thực khách cảm thấy sạch sẽ và an tâm hơn khi dùng bữa.

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM