Bùng nổ mua sắm Tết online - Sapo dự báo xu hướng ngành bán lẻ 2024

Tết năm nay chứng kiến việc mua sắm qua kênh online bùng nổ hơn mọi năm, cũng khiến cho việc sắm Tết theo phương thức truyền thống trầm lắng hơn mọi năm.Sự bùng nổ của những nền tảng thương mại điện tử, xu hướng công nghệ và quá trình chuyển đổi số cùng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng, mùa Tết năm nay nhiều người tiêu dùng đã chọn phương thức sắm Tết trực tuyến thay cho trực tiếp.

Các nhà bán lẻ, nhà kinh doanh nắm bắt cơ hội này để thi nhau đưa hàng lên mạng, giảm bớt gánh nặng mặt bằng. Có nhiều mặt hàng bấy lâu nay tưởng không bán qua mạng được thì nay cũng... ship.

Phần 1. Nhiều người tiêu dùng chọn sắm Tết online

Vừa đặt đơn hàng online có giá trị hơn 1 triệu đồng trên ứng dụng Lotte Mart, chị Ngô Thị Hương (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết đây là năm thứ ba chị chọn sắm Tết online vì không có thời gian đi mua sắm trực tiếp.

"Mua online có thể không đầy đủ như offline nhưng bù lại khuyến mãi gần giống như nhau, thậm chí nhiều mặt hàng được khuyến mãi nhiều hơn ở kênh offline. Ngoài ra đặt hàng online cũng nhanh chóng, giao hàng miễn phí cũng khá tiện.", chị Hương lý giải.

Trong khi đó, ngoài lý do chính là tránh tình trạng đông đúc, xếp hàng tính tiền khá lâu vào khung giờ cao điểm cuối năm ở các siêu thị, chị Nguyễn Thùy Trâm (quận Phú Nhuận) cho biết chọn mua sắm Tết online vì các siêu thị có ưu đãi lớn khi mua online, giao hàng miễn phí, hàng hóa đa dạng.

"Tết này sắm online như vậy là đủ rồi, không đi mua sắm trực tiếp ở siêu thị nữa", chị Trâm nói.

Theo chị Hoài Anh (quận 7), hơn một nửa các món đồ Tết năm nay được chị mua từ các buổi xem livestream và canh hàng online giảm giá.

"Mua hàng livestream tôi được tương tác với người bán, được hỏi kỹ về chất liệu, món hàng, đặc biệt giảm giá rất sâu", chị Hoài Anh chia sẻ những cái lợi nhờ mua sắm trực tuyến.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết sức mua kênh online đã tăng gấp 5-6 lần so với ngày thường, đặc biệt là nhóm hàng đồ gia dụng, quà tặng và thực phẩm khô (dầu ăn, nước mắm, bún, mì...).

Để đáp ứng tốt nhu cầu của khách dịp cao điểm Tết, đơn vị đã cho tăng mạnh số lượng hàng hóa trên kênh và đa dạng kênh bán hàng như ngoài kênh chính là website, tăng bán trên kênh TikTok, Facebook, Zalo. "Các kênh online đang giới thiệu đến khách hàng khoảng 400 - 500 mặt hàng thiết yếu, tăng mạnh so với bình thường", vị này thông tin.

Hệ thống này cũng đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị giao nhận để hỗ trợ giao hàng cho khách vào cao điểm, giảm phí, miễn phí giao hàng.

Với khoảng 800 điểm bán rải khắp 42 tỉnh thành, trong đó riêng TP.HCM có 70 siêu thị Co.opmart, đơn vị đã tính toán luân chuyển đơn hàng online đến các điểm bán phù hợp, để kịp thời giao hàng cho khách ở các tỉnh thành trong dịp Tết, hạn chế việc tắc nghẽn.

Trong khi đó, đại diện Lotte Mart cho biết 16 điểm bán tại 10 tỉnh thành của hệ thống này cũng đang đẩy mạnh bán hàng Tết qua kênh online, giúp đơn hàng online hiện đạt khoảng 2.000 đơn/ngày, tăng mạnh so với ngày thường và tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đơn hàng bánh kẹo và thực phẩm tươi sống chiếm phần lớn.

"Cận Tết, siêu thị đã cho tăng mạnh chủng loại bán trên kênh online với hơn 30.000 mặt hàng, bằng 80% so với kênh offline. Ngoài ra, vẫn đảm bảo yếu tố như giao hàng trong vòng 2 tiếng. Gần như khách muốn mua gì cũng có, đặc biệt là có cả mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt... rất tiện lợi", vị này cho biết.

Bà Lê Thị Dung (Giám đốc tăng trưởng Công ty CP công nghệ Sapo): Mua sắm online đã trở thành thói quen

Theo dự báo của Nasdaq, đến năm 2040, 95% các giao dịch mua sắm dự kiến sẽ thông qua thương mại điện tử. Theo khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam của Lazada (2022), 81% người được hỏi cho biết mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỉ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%.

Theo số liệu hệ thống của Sapo, có đến 43,7% lượng đơn hàng của cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ đến từ các kênh online.

Nhiều doanh nghiệp và thương nhân tại Việt Nam tham gia bán hàng online vì những lợi ích căn bản như tiết kiệm chi phí, tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thị trường rộng mở không giới hạn vị trí địa lý...

Hơn nữa trong những năm gần đây, thương mại điện tử được Chính phủ, các bộ ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội đặc biệt quan tâm và có phương án thúc đẩy tăng trưởng.

Đây là những yếu tố khách quan thuận lợi giúp cho doanh nghiệp gia nhập thương mại điện tử ngày càng dễ dàng và nhiều cơ hội.

 

Phần 2. Tăng doanh số nhờ kênh online

Ngày hội mua sắm Tết TP.HCM, chợ Thủ Đức trực tuyến - TikTok Tết Fest vừa kết thúc vào ngày 28-1 vừa qua với 17.000 đơn hàng được chốt.

Sau gần 20 phiên livestream kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung, kênh bán hàng trực tuyến này đã cán mốc gần 90.000 người theo dõi, giúp TP Thủ Đức thêm rộn ràng ngày cận xuân, đóng góp quảng bá văn hóa, đặc sản địa phương, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trên địa bàn, cùng đẩy mạnh kích cầu dịp Tết.

Song song đó, Ngày hội mua sắm, giải trí Tết trực tuyến tổ chức tại Vạn Hạnh Mall, Hùng Vương Plaza đang diễn ra cũng giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh doanh số.

TP.HCM cũng đang hướng đến một hệ sinh thái livestream đa chức năng với siêu thị online, bán hàng hoàn toàn bằng người ảo AI, thúc đẩy bán hàng kiểu mới từ mùa Tết năm nay.

Chị Nguyễn Hồng Ngọc Bích - đồng sáng lập Rec Rec, thương hiệu chuyên về các món ăn nhanh từ dế - cho biết để kịp bán Tết năm nay, start-up đã đưa sản phẩm mới phân phối trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và kết quả rất khả quan.

Đây là bánh snack được làm từ nguyên liệu là bột dế nên chứa nhiều đạm, dinh dưỡng sản phẩm bỏ rào cản và mở cánh cửa cho sự chấp nhận sản phẩm từ côn trùng.

"Sau nhiều cân nhắc, chúng tôi thấy rằng kênh online tiếp cận khách hàng nhanh và tiện nhất trong khi để làm thủ tục nhập vào các chuỗi bán lẻ chúng tôi cần nhiều thời gian hơn. Kênh online vừa giúp nhãn hàng này bán số lượng lớn vừa đẩy kịp hàng nắm bắt mùa vụ Tết", chị Ngọc Bích chia sẻ niềm vui khi tìm ra cách bán hàng mới khá thành công. Những doanh nghiệp chọn kênh online để tiếp cận người dùng như Rec Rec không hề hiếm.

Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập FoodMap, cho biết những doanh nghiệp chuyên về thức ăn nhanh, đặc sản chọn bán hàng Tết như một xu hướng tất yếu. Trong mùa Tết năm nay, bất chấp những khó khăn chung, mảng quà Tết của nền tảng này vẫn tăng trưởng 150%.

"Chúng tôi đã cho livestream ngay tại các nhà máy sản xuất, tại kho hàng và cả studio kết hợp với những KOL (người nổi tiếng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) để thực hiện các livestream. Sàn cũng kết hợp đưa sản phẩm cộng tác với các sàn thương mại điện tử khác để cùng livestream", ông Tùng cho biết.

Bắt đầu dùng thử miễn phí 7 ngày Dùng thử miễn phí 7 ngày

Để trải nghiệm phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp cùng Sapo

ic1Asset 1