Xu hướng tất yếu


Ở thời điểm này, để đẩy hàng hóa đến các kênh bán, một doanh nghiệp có các con đường chính: POS – cửa hàng truyền thống; Website – cửa hàng online, kênh thương hiệu của doanh nghiệp; Mạng xã hội – kênh bán hàng và phát triển cộng đồng; Sàn TMĐT (có thể coi là chợ, siêu thị online); Mobile app (bán hàng qua ứng dụng); Affiliate (sử dụng mạng lưới công tác viên hoặc website khác).


Bán hàng đa kênh đã và đang trở thành xu hướng trong kinh doanh. Thay vì bán hàng trên một kênh truyền thống như trước đây, các chủ DN sử dụng nhiều kênh khác nhau để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng. Từ đó tập trung vào trải nghiệm khách hàng ở bất cứ nơi nào có sự tiếp xúc với thương hiệu, cửa hàng.


Ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật và thương mại điện tử FPT Digital Retail đánh giá: “Nếu chỉ dựa vào một nền tảng, ví dụ bán hàng tại cửa hàng thực hay bán hàng online, doanh nghiệp sẽ bị giới hạn và sức cạnh tranh yếu hơn đối thủ nên dễ dẫn đến thất bại. Chính vì vậy, bán hàng đa kênh trở thành xu hướng bán lẻ hiệu quả.


Ông Trần Trọng Tuyến, CEO DKT cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đã hướng tới xu thế bán hàng trên nhiều kênh nhưng chưa thực sự gọi là bán hàng đa kênh khi mỗi kênh sử dụng nền tảng riêng, hệ thống quản lý riêng với các quy trình và nhân sự phụ trách. Với nguồn lực hạn chế, làm một kênh còn chưa tốt thì làm nhiều kênh chắc chắn hỏng. Chính vì vậy DN cần một hệ thống tích hợp tất cả các kênh bán về một nền tảng thống nhất, quản lý tập trung, nơi đó, các DN chỉ cần thực hiện một quy trình duy nhất nhưng lại có thể bán hàng trên nhiều kênh. Đây là cách tiết kiệm nhân lực cũng như nguồn lực nhưng vẫn phát triển đa kênh hiệu quả.


Tuy nhiên, để tự khởi tạo một hệ thống bán hàng đa kênh, một doanh nghiệp cần trung bình khoảng 1000 – 2000 USD. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là khoản đầu tư khá lớn khi bắt đầu kinh doanh. Rất ít doanh nghiệp dám chi tiêu như vậy. Sở dĩ ở các nước khác họ không gặp phải vấn đề này vì hầu như không một doanh nghiệp nào tự đầu tư nền tảng bán hàng đa kênh.


Cần một nền tảng thống nhất


Ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước xu hướng thay đổi, dự báo sẽ định hình lại bức tranh toàn ngành. Không chỉ là bài toán cạnh tranh, các nhà bán lẻ còn phải giải quyết bài toán về sự chuyển đổi mô hình hoạt động và thích nghi với sự dịch chuyển của thị trường.


Cuộc đua của các nhà bán lẻ giờ đây không chỉ là một cửa hàng vật lý mở ra và chờ đợi khách hàng tiện chân ghé vào, mà là cuộc đua liên tục của quá trình phân tích hành vi mua sắm, dự đoán được món hàng khách hàng quan tâm và tạo mọi điều kiện dễ dàng nhất cho khách hàng.


Bán hàng đa kênh là xu hướng tất yếu và là sự sống còn của ngành bán lẻ. Việc đồng bộ nhiều kênh cùng một lúc trong vòng "một nốt nhạc" sẽ mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng và cần thiết phải có sự kết nối xuyên suốt, nhất quán giữa các kênh với nhau, tập trung hơn vào trải nghiệm mua sắm của khách hàng, giúp quá trình mua hàng của khách hàng trở nên thuận tiện, hiệu quả và tối ưu dù mua qua hình thức online hay offline.


Tuy nhiên, trên thực tế, khi bán hàng trên nhiều kênh, các doanh nghiệp cần phải thống nhất dữ liệu và đồng nhất trải nghiệm khách hàng về sản phẩm, thông tin và quy trình mua hàng.


Bà Nguyễn Thị Hường - Giám đốc Marketing & Truyền thông, Cty Kids Plaza với chuỗi 71 siêu thị mẹ và bé chia sẻ: “Bán hàng đa kênh giúp khách hàng khi tham gia vào hệ thống của Kids Plaza sẽ được trải nghiệm việc mua hàng nhanh chóng, tiếp cận các chương trình khuyến mãi, quà tặng, voucher một cách đồng bộ, mang lại sự tương tác vô cùng hiệu quả giữa khách hàng và nhân viên. Việc đồng bộ giải pháp kinh doanh đa kênh giúp khách hàng không mất nhiều thời gian mà vẫn có thể mua được món hàng ưng ý và biết được món hàng mình mua đang ở đâu. Bán hàng đa kênh giúp doanh số của Kids Plaza tăng trưởng khoảng 20%”. 


Khi TMĐT phát triển, chiến lược về giá sẽ không còn bí mật, không còn là “con bài đinh” cho các doanh nghiệp. Khi đó, vấn đề của các doanh nghiệp là phải ứng dụng được các công nghệ chuyên sâu của TMĐT. DN cần cập nhật những giải pháp, phần mềm của điện thoại thông minh cho các hoạt động kinh doanh của mình, áp dụng các biện pháp về công nghệ để tăng cường cá nhân hóa những kinh nghiệm mua sắm của khách hàng tại cửa hàng thông qua việc sử dụng các hình ảnh 3 chiều và màn hình thực tế ảo, tạo ra những trải nghiệm mua sắm sống động.


Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cập nhật những giải pháp, phần mềm TMĐT, ứng dụng của điện thoại thông minh cho hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp cũng cần gắn kết hơn với người tiêu dùng và nhà cung ứng bằng cách sử dụng những mã QR code của sản phẩm hay tận dụng các công cụ tìm kiếm đang được người tiêu dùng yêu thích hiện nay.


Quy trình bán hàng đa kênh không có một công thức chuẩn.Chính vì thế DN chỉ cần hiểu bản chất của nó là bán trên nhiều kênh mà có sự thống nhất xuyên suốt từ sản phẩm cho tới các thông tin đơn hàng, khách hàng… Và trong quá trình thực hiện DN liên tục đo lường và điều chỉnh cho phù hợp với DN mình. Trong kinh doanh yếu tố tốc độ là rất quan trọng, nếu bạn cứ phải tìm hiểu cho thông suốt hết mọi thứ để chắc chắn lúc đó mới bắt đầu thì có khi cơ hội đã vụt qua bởi trong lúc bạn còn phân vân, bạn còn tìm hiểu, người ta đã thành công trước bạn rồi. Kinh doanh nhiều khi “ăn thua” nhau ở thời khắc quyết định đó” - CEO DKT lưu ý.

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp