Phơi bày chiêu trò lừa đảo khi kinh doanh trên Facebook (P1)

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử và tốc độ lan rộng của mạng xã hội, kinh doanh trên Facebook đang phát triển nhanh chóng. Mỗi ngày có hàng nghìn gian hàng ảo trên fanpage Facebook được lập ra, hàng triệu giao địch được thực hiện mỗi ngày, song hành cùng với đó là không ít vụ lừa đảo đắng lòng cho những vị khách đặt lòng tin nhầm chỗ. Và với bài viết chúng tôi sẽ phơi bày chiêu trò lừa đảo khi kinh doanh trên Facebook để các bạn có thể phòng tránh.

lua-dao-Facebook1

1. Mô tả một kiểu, thực tế một kiểu

Đây có lẽ là trò lừa phổ biến nhất khi mua hàng trên mạng, việc các shop online đăng tải những hình ảnh đẹp lung linh để mời chào khách rồi đến khi nhận hàng rồi mới tá hỏa khi thực tế và quảng cáo khác xa nhau. Rủi ro này thuộc về phần bắt buộc bạn phải chịu khi quyết định mua sắm trực tuyến, vì hiện nay vẫn chưa có một quy định pháp luật nào nói rõ về những hành vi lừa đảo này. Mà trên Facebook cũng không có chính sách về việc mua bán trao đổi, vì đây đơn thuần chỉ là trang mạng xã hội chứ không phải hệ thống chuyên nghiệp như eBay.com Và thế là người mua vừa mất tiền vừa phải khuôn về thứ hàng dởm, thậm chí có người bỏ ra cả đống tiền chỉ để đổi lấy một cái...ảnh minh họa. Liên lạc lại với chủ shop thì bị block, đăng bài trên fanpage thì bị xóa, người mua đành ngậm ngùi nuốt quả tức vào bụng. Để phòng tránh trường hợp này chỉ còn cách bạn phải xem xét thật kĩ uy tín của shop đó, nếu cần hãy yêu cầu họ chụp ảnh thực tế có hình của họ cùng món hàng để kiểm tra. Và đừng bao giờ chuyển hết tiền khi chưa nhận được hàng.

2. Nẫng tay trên của nhau

Còn đây lại là chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của các shop online với nhau. Khi khách hàng thấy ưng một mẫu nào đó họ thường bình luận ngay dưới ảnh và trao đổi về giá cả cũng như cách thức thanh toán với chủ shop. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ngày hôm sau shop đó liên hệ lại với khách để chốt đơn hàng thì được biết khách đã mua của bên khác rồi. Hỏi ra mới hay, khi khách bình luận trên fanpage của shop mình thì một shop khác ngay lập tức liền nẫng tay trên, kết bạn với khách và chào mời sản phẩm với giá rẻ hơn.

lua-dao-Facebook4

Đã từng có một thời các shop online tranh cãi nhau nảy lửa trên Facebook, nhiều người khi chứng kiến chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Hậu quả là sau một thời gian cả hai shop đều đóng cửa vì khách hàng không tin tưởng, không muốn dính vào lùm xùm nên không mua nữa. Hiện nay nhiều shop online đã thực hiện chế đố “kín cổng cao tường”, mọi trao đổi với khách đều diễn ra tại khung chat, vừa dễ nói chuyện vừa không sợ lộ tin tức, lại có bằng chứng.

3. Giả danh shop uy tín

Trong truyền thống, để làm giả cả một cửa hàng có lẽ là khó khăn, nhưng trên mạng ảo thì mọi thứ đơn giản hơn nhiều, chỉ cần bỏ ra chút thời gian với vài lần nhấp chuột là bạn sẽ có một fanpage giống hệt fanpage bán hàng uy tín khác. Lợi dụng sơ hở này nhiều kẻ lừa đảo đã giả mạo những shop bán hàng online có uy tín, rêu rao quảng cáo để bán cho khách hàng những sản phẩm kém chất lượng. Trên mạng ảo thì uy tín rất quan trọng, khách hàng thường tin dùng những nơi đã có điều tiếng tốt, chính vì vậy họ rất dễ bị mắc lừa khi kẻ giả mạo làm quá hoàn hảo. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chính người mua khi mua phải hàng kém chất lượng mà còn làm sụt giảm uy tín của những shop online thật. Với hình thức lừa đảo này kẻ giả mạo có thể vi phạm vào điều luật liên quan đến chiếm đoạt tài sản, bị kết án tài chính hoặc án tù.  

lua-dao-Facebook3

4. Nhận hàng nhưng không chuyển tiền

Nếu những hình thức trên là trò lừa đảo của người bán khi kinh doanh trên Facebook thì tiếp theo là một cách mà người mua “trắng trợn” lừa tiền của người bán – Nhận hàng như không chuyển tiền. Để làm được trò này đa phần những vị khách lừa đảo thường chọn ngày giao dịch là thứ 6, khi ngân hàng sắp đóng cửa để lấy lý do là cần gấp. Lúc này chúng sẽ chụp ảnh hóa đơn có dấu của bưu điện nhưng đã được chỉnh sửa qua phần mềm photoshop cho người bán xem để họ gửi hàng. Dĩ nhiên vào cuối tuần thì ngân hàng chưa thực hiện chuyển khoản ngay mà phải đợi đến tuần sau, người bán sau khi nhìn thấy hóa đơn của bưu điện lại cứ đinh ninh là đã chuyển tiền rồi, nhưng sau khi hàng đã gửi vài ngày vẫn chưa thấy tiền đâu. Gọi điện hỏi người mua thì thuê bao, dò tìm trang cá nhân Facebook của người đó thì báo chặn. Để đề phòng những trường hợp này các chủ shop thường yêu cầu gửi một nửa tiền hàng trước hoặc áp dụng hình thức thu hộ của bưu điện. Dù vẫn gặp phải rủi ro như khách không nhận hàng hay nhận rồi mà không trả phần còn lại nhưng dù sao cũng hạn chế mất mát một phần.

5. Dìm hàng đối thủ

Tiếp tục một chiêu trò cạnh tranh thiếu lành mạnh nữa của các chủ shop kinh doanh trên Facebook. Lần này những cửa hàng đối thủ thay vì cướp khách lại lập hẳn một “fanpage anti” để nói xấu về shop kia. Trong fanpage là vô vàn những hình ảnh châm biếm, các bài đăng “lật tẩy”, nhưng lời bình luận mang tính chất “dìm hàng” để khách hàng phản cảm với cửa hàng của đối thủ.

lua-dao-Facebook2

Ngoài ra còn có một cách dìm hàng về giá nữa, cứ mỗi khi đối thủ đưa ra một sản phẩm giống mình thì ngay lập tức hạ giá bán và bắt đầu rêu rao, ám chỉ là có nơi bán đắt hơn thị trường này kia.

6. Lừa người vận chuyển

Thêm một bên thứ ba trở thành nạn nhân của kinh doanh lừa đảo trên Facebook, đó là người giao hàng. Hiện nay cùng với sự nở rộ của bán hàng trên mạng xã hội, các dịch vụ giao vận ăn theo cũng đồng loạt được mở ra. Đối với những người giao hàng cho chủ mối quen thì vấn đề lừa đảo có lẽ không gặp nhiều, nhưng với những người làm tự do thì không ít người đã gặp phải. Vì khi nhận được một vụ làm ăn nào đó, người giao hàng thường phải ứng trước tiền để lấy hàng của người bán rồi chuyển đến người mua, sau đó mới thanh toán. Lợi dụng điều này nhiều kẻ đóng giả là cả người mua và người bán để thực hiện lừa đảo. Cụ thể, kẻ lừa đảo mang danh người bán sẽ liên hệ với người vận chuyển đến giao hàng cho địa chỉ này. Người giao hàng sẽ ứng tiền trước, mang đến cho người mua, nhưng đến nơi lại bị báo là hàng không đúng như minh họa, không phải hàng thật nên không nhận. Gọi điện lại cho người bán thì thuê bao, mà người mua kiên quyết đổi trả, thế là người giao hàng đành mang cục tức về nhà, vừa mất tiền vừa lấy phải thứ mình không cần. Trên đây là một số hình thức lừa đảo khi kinh doanh trên Facebook, hi vọng rằng sau bài viết này các bạn sẽ cảnh giác hơn với hình thức mua bán trực tuyến.
Tweet
5/5 (0 vote)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM