Nhãn hiệu là gì? Thủ tục và quy trình đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu và thương hiệu được biết đến như những khái niệm được sử dụng vô cùng phổ biến trong đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều người có thể phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu hay quy trình để đăng ký nhãn hiệu là gì. Trong bài viết này, Sapo.vn sẽ cùng bạn làm rõ về vấn đề này. 

1. Nhãn hiệu là gì?

Nhãn hiệu hay trademark là một khái niệm được định nghĩa theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO là các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. 

Nhãn hiệu là những dấu hiệu được dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Những dấu hiệu này được nhìn thấy dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh hay hình vẽ, sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. 

nhãn hiệu là gì

Quyền đăng ký nhãn hiệu

Theo Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ (điều này được sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

3. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

4. Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

5. Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

a) Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

b) Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

6. Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.

7. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

2. Sự khác nhau giữa thương hiệu và nhãn hiệu là gì?

 

Nhãn hiệu

Thương hiệu

Pháp lý

Nhãn hiệu là thuật ngữ được sử dụng trong lĩnh vực pháp luật. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập khi chủ sở hữu làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. 

Thương hiệu là thuật ngữ được sử dụng dưới góc độ quản trị doanh nghiệp và Marketing. Khác với nhãn hiệu, thương hiệu không phải là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 

Tính chất

Nhãn hiệu là hữu hình và có thể là các chữ cái, hình ảnh, từ ngữ hay kết hợp và có thể dễ dàng nhận biết bằng các giác quan, được thể hiện bằng 1 hoặc nhiều màu sắc. Một số nước như Hoa Kỳ còn công nhận nhãn hiệu sản phẩm  bằng mùi hương. 

Thương hiệu là vô hình và bạn có thể cảm nhận được nó mà không thể nhìn thấy như nhãn hiệu. Các yếu tố tạo nên danh tiếng cho sản phẩm đó bao gồm cả hữu hình, vô hình như kiểu dáng, chất lượng sản phẩm hay định hình nhãn hiệu của sản phẩm, giá cả, thái độ phục vụ của người bán hàng,...

Thời hạn bảo hộ và thời gian tồn tại

Nhãn hiệu thường có tuổi thọ ngắn hơn so với thương hiệu. Nhãn hiệu được bảo hộ thông qua Giấy chứng nhận mà pháp luật quy định về thời hạn bảo hộ là 10 năm và không giới hạn số lần gia hạn. 

Thương hiệu có thể tồn tại ngay cả khi hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu không tồn tại bởi thương hiệu do sự đánh giá của người tiêu dùng. Do đó, khi sản phẩm vẫn được tin dùng và được biết đến thì thương hiệu vẫn còn tồn tại. 

Định giá

Nhãn hiệu được coi là tài sản khi được xác lập quyền thông qua việc Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Tài sản có thể định giá được nên nhãn hiệu cũng có thể định giá được. 

Thương hiệu được coi là 1 tài sản vô hình dù pháp luật Việt Nam chưa chính thức công nhận và có quy định cụ thể. Tuy nhiên, tài sản vô hình thì không thể định giá dễ dàng, do đó việc định giá thương hiệu cần thông qua các bước: Phân khúc thị trường, phân khúc tài chính, phân tích nhu cầu, tiêu chuẩn cạnh tranh.

Khả năng bị xâm phạm

Nhãn hiệu có khả năng bị xâm phạm cao, người khác có thể dễ dàng sao chép để in lên hàng hóa, dịch vụ của mình nhằm thu lợi.

Thương hiệu là không thể sao chép hay làm giả được bởi thương hiệu là yếu tố cần được xây dựng trong khoảng thời gian dài và in dấu trong tiềm thức của người tiêu dùng.

3. Quy trình và thủ tục đăng ký nhãn hiệu

Để được đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, bao gồm:

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

* Tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Tờ khai yêu cầu Giấy chứng nhận làm theo mẫu số 04-NH của TT số 16/2016/BKHCN gồm 02 bản: 01 bản Cục sở hữu trí tuệ lưu thực hiện thủ tục, 01 bản còn lại đóng dấu, dán mã vạch trả lại cho người nộp đơn. 

Khi làm tờ khai nhãn hiệu, chủ kinh doanh cần lưu ý:

  • Mô tả nhãn hiệu trong tờ khai phải làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu
  • Chủ đơn phải mô tả, nêu ý nghĩa của nhãn hiệu: Nhãn hiệu có từ ngữ thuộc ngôn ngữ hình thì từ ngữ đó phải được phiên âm. Nếu nhãn hiệu có từ ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Đối với các nhãn hiệu có sử dụng mô tả liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của nước ngoài thì người đăng ký phải có quốc tịch tại nước đó. 
  • Phân nhóm nhãn hiệu theo đúng Bảng phân loại Ni-xơ phiên bản 11-2022 để nhãn hiệu bạn đăng ký không bị từ chối xét nghiệm hình thức đơn và phải nộp bổ sung lệ phí do phân nhóm sai. 
  • Một đơn có thể đăng ký nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ.
  • Mỗi đơn đăng ký chỉ được cấp 1 văn bằng bảo hộ.

* Mẫu nhãn hiệu

  • Mẫu nhãn hiệu nộp theo đơn; 09 mẫu kèm theo, ngoài 1 mẫu được gắn trên tờ khai, mẫu nhãn cần chuẩn bị không nhỏ hơn 2cm x 2cm và không lớn hơn 8cm x 8cm.
  • Trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký có sử dụng dấu hiệu tương tự nhãn hiệu đã được cấp bằng thì cần thêm tài liệu chứng minh quyền đăng ký như: chứng minh quan hệ công ty mẹ con, góp vốn, điều lệ tổ chức (01 bản)

* Giấy ủy quyền

Giấy ủy quyền nộp đơn: 01 bản (nếu nộp qua Tổ chức Đại diện)

* Phí, lệ phí

Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn (01 bản)

* Tài liệu chứng minh quyền sử dụng

  • Khi đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt cần có tài liệu chứng minh quyền sử dụng: Tên, biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức, dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành, tên nhân vật, hình tượng, tên thương mại, chỉ dẫn xuất xứ, giải thưởng, huy chương hoặc ký hiệu đặc trưng của sản phẩm, dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ của kiểu dáng công nghệ của người khác.
  • Số lượng: 01 bản

Khi khách hàng đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hồ sơ cần có các tài liệu sau:

  • Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/ nhãn hiệu chứng nhận
  • Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng hoặc đặc trưng (đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý
  • Bản đồ xác định lãnh thổ nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm
nhãn hiệu là gì

Quy trình đăng ký nhãn hiệu

Bước 1: Lựa chọn nhãn hiệu và sản phẩm, dịch vụ cho nhãn hiệu

  • Lựa chọn nhãn hiệu: Chọn mẫu nhãn hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ. Nhãn hiệu được lựa chọn không tương tự nhãn hiệu khác đã đăng ký, nhãn hiệu nổi tiếng hay các nhãn hiệu mô tả không có khả năng cấp bằng bảo hộ. 
  • Lựa chọn danh mục sản phẩm đăng ký: Cần lựa chọn danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu theo hướng dẫn nêu trên. Phân nhóm sản phẩm, dịch vụ cần thực hiện theo Bảng phân loại quốc tế về nhãn hiệu Ni-xơ. 

Bước 2: Tra cứu nhãn hiệu

Để thực hiện thành công quy trình đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu đăng ký có thể được cấp bằng bảo hộ, chủ thể nộp đơn đăng ký trước khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp nên thực hiện thủ tục tra cứu nhãn hiệu. 

Việc tra cứu nhãn hiệu nhằm xác định khả năng đăng ký của nhãn hiệu so với các nhãn hiệu cùng loại đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ hay chưa.

Sau khi có kết quả tra cứu nhãn hiệu, chủ đơn sẽ cân nhắc quyết định nên hay không việc đăng ký nhãn hiệu đã được tra cứu.

Việc tra cứu nhãn hiệu còn góp phần xác định khả năng nhãn hiệu có thể được cấp văn bằng hay không.

Nếu xác định nhãn hiệu không có khả năng được cấp văn bằng chủ sở hữu nên cân nhắc phương án sửa đổi để có thể được cấp bảo hộ độc quyền. 

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký 

Khi đánh giá khả năng đăng ký nhãn hiệu, chủ kinh doanh tiến hành nộp hồ sơ đăng ký với mức lệ phí đăng ký như sau:

Lệ phí nộp đơn đăng ký cho 01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

Đối với đơn có 01 nhóm sản phẩm, dịch vụ và mỗi nhóm hàng hóa, dịch vụ chỉ có gồm 06 sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trở xuống:

  • Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn; Lưu ý: Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã thực hiện giảm 50% các loại lệ phí nộp đơn khi đăng ký cụ thể như sau: Lệ phí nộp đơn cho 01 nhãn hiệu, 01 nhóm hàng hóa dịch vụ từ  150.000 đồng giảm còn 75.000 đồng.
  • Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng;
  • Phí tra cứu phục vụ thẩm định nhãn hiệu: 180.000 đồng;
  • Lệ phí cấp giấy chứng nhận: 120.000 đồng;
  • Lệ phí đăng bạ: 120.000 đồng;
  • Lệ phí công bố nhãn hiệu: 120.000 đồng.

Lệ phí nộp đơn gồm nhiều nhóm sản phẩm, dịch vụ

  • Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ bảo hộ tăng thêm: 550.000 đồng;
  • Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ có trên 6 sản phẩm/dịch vụ đăng ký. Lệ phí phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi: 120.000 đồng.
  • Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ tăng thêm: 180.000 đồng;
  • Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ có trên 6 sản phẩm/dịch vụ đăng ký. Lệ phí phải nộp thêm phí công bố thông tin cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi 30.000 đồng.

Đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 văn phòng đại diện tại Tp.HCM và Đà Nẵng. 

Bước 4: Thẩm định hình thức đơn

Kiểm tra việc tuân thủ quy định về hình thức đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.

  • Trường hợp đơn hợp lệ: Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
  • Trường hợp đơn không hợp lệ: Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/ sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/ không có ý kiến phản đối/ ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn. 

Bước 5: Công bố đơn

Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. 

  • Thời hạn công bố đơn nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
  • Nội dung công bố đơn bao gồm: Các thông tin về đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ.
  • Hình thức công bố: Trang website của Cục Sở hữu trí tuệ và Công báo Sở hữu công nghiệp.

Bước 6: Thẩm định nội dung đơn

Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ. 

  • Thời hạn thẩm định hình thức đơn nhãn hiệu 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
  • Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, mẫu nhãn, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân nhóm,…
  • Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.
  • Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Chủ đơn, đại diện chủ đơn tiến hành sửa đổi theo yêu cầu. Sau đó, tiến hành nộp công văn sửa đổi cho Cục sở hữu trí tuệ và nộp lệ phí bổ sung nếu phân loại nhóm sai.

Bước 7: Ra quyết định cấp/ từ chối cấp bằng bảo hộ

  • Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
  • Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. 

Trên đây là những yếu tố quan trọng về nhãn hiệu mà bạn cần lưu ý. Sapo hy vọng rằng những chia sẻ trên của chúng tôi có thể giúp bạn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và đảm bảo quy trình một cách hiệu quả.

Xem thêm: 

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM