Headless CMS là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Headless CMS

Yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về trải nghiệm trên trang đã kéo theo sự gia tăng không ngừng nhu cầu đẩy mạnh phân phối nội dung chất lượng, phù hợp đến tất cả các kênh. Làn sóng công nghệ 4.0 cùng với sự ra đời của Headless CMS nhanh chóng được đón nhận và thay thế cho Traditional CMS bởi khả năng phân phối nội dung đa kênh một cách hiệu quả. Vậy Headless CMS là gì? Headless CMS có đặc điểm gì nổi trội so với Traditional CMS? Cùng Sapo.vn đi tìm hiểu nhé.

1. Headless CMS là gì? 

CMS (Content Management System) được hiểu là một hệ thống quản lý nội dung. Các CMS truyền thống hoạt động theo mô hình “đóng gói” toàn bộ backend + frontend + database. Tất cả sẽ liên kết chặt chẽ với nhau về mã nguồn và không thể tách rời nhau được. Điều này gây khó khăn cho việc tái sử dụng nội dung bởi vì nó bị lẫn lộn với phần code. Nếu muốn mở rộng hệ thống, nhà quản trị chỉ có hai cách là tăng cấu hình máy chủ (tăng CPU, tăng RAM) hoặc dùng cần bằng tải (bốc toàn bộ mã nguồn và deploy trên nhiều server).

Khi các nền tảng kỹ thuật số được phát triển, nhu cầu về các giải pháp mang tính linh hoạt hơn dần xuất hiện. Các doanh nghiệp bên cạnh việc phát triển website còn phát triển trên các nền tảng khác như mobile sites, apps,... Traditional CMS không còn đáp ứng kịp tốc độ phát triển này, doanh nghiệp đi tìm kiếm cho mình một giải pháp thích ứng được với các nền tảng kỹ thuật số khác nhau. Khái niệm Headless CMS ra đời từ đó.

Headless CMS là loại hệ thống quản lý nội dung backend với kho lưu trữ nội dung backend riêng biệt, được tách ra khỏi phần giao diện người dùng (frontend). Nội dung chứa trong một Headless CMS được truyền đạt thông qua APIs để hiển thị liền mạch trên nhiều thiết bị khác nhau. 

Nhờ sự tách biệt này mà các nhà phát triển có thể sử dụng bất kỳ công nghệ nào họ muốn cho phần backend mà không phải lo lắng điều này sẽ ảnh hưởng đến phần frontend. Những nhà tiếp thị có thể tạo và lưu trữ nội dung một lần và triển khai lại nội dung đó trên bất kỳ kênh kỹ thuật số nào vì nội dung không bị khóa trong một kênh cụ thể.

Headless CMS là gì?
Headless CMS là gì?

2. Ưu và nhược điểm của Headless CMS

2.1 Ưu điểm

Một số ưu điểm mà Headless CMS mang lại:

  • Tính linh hoạt và khả năng tùy chỉnh: Headless CMS cho phép các nhà phát triển có toàn quyền kiểm soát quá trình phát triển giao diện người dùng (frontend). Các developer có thể thoải mái chọn các công nghệ, framework phù hợp nhất với nhu cầu phát triển.
  • Phân phối nội dung đa kênh: Headless CMS cung cấp khả năng phân phối nội dung dễ dàng qua API tới nhiều nền tảng và kênh khác nhau như website, ứng dụng di động, mạng xã hội,... đảm bảo trải nghiệm người dùng nhất quán trên nhiều kênh khác nhau.
  • Khả năng tái sử dụng nội dung: Nhờ sự tách biệt giữa backend và frontend trong cấu trúc Headless CMS, các nhà tiếp thị có thể dễ dàng sử dụng lại nội dung đã tạo và lưu trữ trước đó trên các kênh khác nhau. Giúp tiết kiệm thời gian và công sức bằng cách loại bỏ việc thực hiện tạo lại cùng một nội dung cho từng nền tảng.
  • Hiệu suất và khả năng mở rộng cao: Việc backend và frontend tách khỏi nhau giúp mỗi phần tập trung thực hiện những nhiệm vụ riêng tương ứng. Trong Headless CMS, nội dung được truyền tải dưới dạng file tĩnh nên tốc độ tải trang được cải thiện đáng kể. Điều này giúp cải thiện hiệu suất và khả năng mở rộng, phù hợp với các nền tảng có lưu lượng truy cập cao.
  • Kiến trúc không lỗi thời: Kiến trúc của Headless CMS được thiết kế linh hoạt và nhanh nhạy, có thể thích ứng với các công nghệ và nền tảng mới. Khi các công nghệ mới xuất hiện, việc tích hợp Headless CMS khá đơn giản, giúp doanh nghiệp luôn thích nghi tốt trong bối cảnh công nghệ không ngừng thay đổi.
  • Bảo mật tốt hơn: Vì các thành phần giao tiếp với nhau qua API, nội dung được tách biệt khỏi giao diện nên nguy cơ bị tấn công bởi các phần mềm độc hại thấp hơn so với các CMS truyền thống.
Ưu và nhược điểm của Headless CMS
Một số ưu điểm của Headless CMS

2.2 Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội của Headless CMS, công nghệ này vẫn tồn tại một số mặt hạn chế như: 

  • Sự phức tạp: Headless CMS có tính công nghệ và linh hoạt cao nhưng đối với những người dùng không có kinh nghiệm về kỹ thuật thì việc thiết lập và quản lý có thể sẽ khó khăn. Các nhà phát triển và người tạo nội dung cần tìm hiểu và thích nghi với công nghệ hiện đại khi làm việc với Headless CMS. Việc tích hợp với các dịch vụ bên thứ 3, quản lý API hay việc kiểm soát và đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu trên các nền tảng và kênh khác nhau có thể sẽ phức tạp hơn các nền tảng Traditional CMS.
  • Bảo trì và cập nhật: Vì sự tách biệt giữa backend và frontend nên việc phát triển cần quản lý riêng biệt hai phần này. Do đó, Headless CMS đòi hỏi doanh nghiệp thường xuyên bảo trì và cập nhật nhằm đảm bảo khả năng tương thích, tính bảo mật và hiệu suất cho cả hệ thống.

Xem thêm: Headless Commerce là gì? Lợi ích khi ứng dụng Headless Commerce trong doanh nghiệp

3. Sự khác biệt giữa Headless CMS và Traditional CMS

Mặc dù Headless CMS đã trở nên phổ biến như một giải pháp linh hoạt và phù hợp cho việc phân phối nội dung đa kênh, nhưng trên thực tế Traditional CMS vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hành trình phát triển kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Vì thế, để đưa ra được lựa chọn chính xác, doanh nghiệp cần hiểu rõ về 2 dạng CMS và cân nhắc nhu cầu phát triển của doanh nghiệp mình.

Tiêu chíHeadless CMSTraditional CMS
Kiến trúcTách biệt backend và frontend, phân phối nội dung thông qua APILiên kết 2 phần backend và frontend, hiển thị nội dung qua web browser
Khả năng tiếp cậnKhông giới hạnHạn chế

Khả năng phân phối đa kênh

TốtKhông hỗ trợ
Khả năng tái sử dụng nội dungTốtKhông hỗ trợ
Khả năng tùy chỉnh và mở rộngCaoHạn chế
Bảo trì và cập nhậtYêu cầu riêng biệt cho frontend và backend nhằm bảo mật hiệu quảYêu cầu bảo trì, cập nhật thường xuyên và cẩn nhận nhằm tránh rủi ro bảo mật

Tóm lại, Headless CMS cung cấp cho doanh nghiệp trong thời đại số những khả năng vượt trội để quản lý nội dung hiệu quả, tối ưu hóa việc phân phối và linh hoạt thích ứng với xu hướng thị trường đang thay đổi không ngừng. 

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM