Công thức chạy quảng cáo tin nhắn Facebook hiệu quả cho mọi ngành hàng [Update 2025]

Quảng cáo tin nhắn Facebook (Messenger Ads) trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều chủ shop và doanh nghiệp online nhờ thói quen nhắn tin trực tiếp để tìm hiểu sản phẩm trước khi mua của người tiêu dùng. Hình thức quảng cáo này giúp bạn đưa khách hàng tiềm năng vào cuộc trò chuyện 1:1 ngay lập tức, từ đó rút ngắn hành trình mua hàng, tăng khả năng chốt đơn và tối ưu chi phí.

Vậy quảng cáo tin nhắn Facebook là gì? Làm sao để thiết lập một chiến dịch hiệu quả, tối ưu chi phí cũng như xử lý nhanh các lỗi phát sinh khi chạy? Bài viết dưới đây của Sapo sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ những câu hỏi này. 

1. Quảng cáo tin nhắn Facebook là gì? 

Quảng cáo tin nhắn Facebook (Messenger Ads) là hình thức quảng cáo Facebook Ads để người dùng nhấp vào quảng cáo và bắt đầu cuộc trò chuyện trực tiếp với fanpage qua Messenger. Thay vì chuyển hướng sang website hay landing page, quảng cáo sẽ đưa khách hàng vào khung chat để bạn có thể tư vấn, chăm sóc và chốt đơn ngay lập tức.

Tìm hiểu đặc điểm của quảng cáo tin nhắn Facebook

Ví dụ: 

Bạn có shop online bán mỹ phẩm. Khi người dùng lướt Facebook, họ thấy một quảng cáo như sau: “Kem chống nắng nội địa Nhật - SPF50++, dưỡng ẩm, kiềm dầu suốt 12h”>> Nhắn tin để nhận ưu đãi 50% - Duy nhất 50 khách đầu tiên!”. Người xem chỉ cần nhấn nút “Gửi tin nhắn”, cuộc trò chuyện sẽ lập tức mở ra trên Messenger. 

Bạn có thể thiết lập tin nhắn tự động để chào khách, hỏi nhu cầu, gửi mã giảm giá hoặc tư vấn trực tiếp.

So với các hình thức quảng cáo facebook khác, quảng cáo tin nhắn Facebook được nhiều chủ shop lựa chọn nhờ: 

  • Khả năng chốt đơn nhanh chóng: Khách hàng có thể đặt câu hỏi, nhận tư vấn và chốt đơn ngay trong cuộc trò chuyện mà không cần rời khỏi Facebook.
  • Tiết kiệm chi phí: So với quảng cáo chuyển đổi hay tương tác, chi phí cho mỗi tin nhắn (CPT-Cost per Thread) thường thấp hơn.
  • Dễ cá nhân hóa nội dung bán hàng: Bạn có thể sử dụng chatbot hoặc trả lời trực tiếp theo nhu cầu từng khách hàng.
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi cho sản phẩm/ dịch vụ có giá trị trung bình - thấp: Đặc biệt phù hợp với ngành hàng mỹ phẩm, thời trang, phụ kiện, ăn uống,...
  • Tối ưu hiệu quả cho người không có website: Bạn hoàn toàn có thể bán hàng hiệu quả mà chưa cần đầu tư ngay vào website.

2. Các bước chạy quảng cáo tin nhắn Facebook [cập nhật 2025]

Meta đã có những tài liệu hướng dẫn chi tiết để bạn thiết lập quảng cáo tin nhắn Facebook. Cụ thể như sau:

Bước 1: Chọn mục tiêu chiến dịch phù hợp

Truy cập Trình quản lý quảng cáo Meta, nhấn “Tạo chiến dịch mới” và chọn mục tiêu Lượt tương tác.

Chọn mục tiêu tương tác

Sau đó bạn tiếp tục chọn Tiếp tục > Chiến dịch tương tác thủ công. 

Chọn chiến dịch thủ công

Bước 2: Thiết lập nhóm quảng cáo (Ad set)

Ở bước này, bạn cần cấu hình các yếu tố như:

Thiết lập quảng cáo tin nhắn facebook
  • Tên chiến dịch quảng cáo: Để bạn dễ dàng quản lý nội dung quảng cáo chạy. Nên đặt tên dễ nhớ, ngắn gọn (ví dụ như Flash Sale tháng 6, mega sale dịp 2/9…)
  • Lựa chọn nền tảng nhắn tin: Chọn nền tảng bạn muốn sử dụng để nhận tin nhắn từ khách hàng, thường là Facebook Messenger. Nếu bạn có kết nối với WhatsApp hoặc Instagram Direct, có thể thêm vào để mở rộng phạm vi tiếp cận.
  • Xác định đối tượng mục tiêu: Thiết lập độ tuổi, giới tính, khu vực địa lý và sở thích phù hợp với nhóm khách hàng tiềm năng. Ví dụ: Nếu bạn kinh doanh đồ ăn healthy tại Hà Nội, có thể chọn độ tuổi từ 25-40, khu vực Hà Nội, sở thích về ăn kiêng hoặc tập gym.
  • Cài đặt ngân sách và lịch chạy: Bạn có thể lựa chọn ngân sách theo ngày hoặc ngân sách trọn đời tùy theo mục tiêu chiến dịch. Đồng thời, thiết lập thời gian bắt đầu và kết thúc để kiểm soát chi phí.
  • Cấu hình vị trí hiển thị quảng cáo): Bạn có thể để “Tự động” để Meta tối ưu hoặc chọn “Thủ công” và ưu tiên các vị trí hiển thị hiệu quả như Bảng tin Facebook, Messenger Inbox, Instagram Feed, Instagram Stories.

Bước 3: Tạo nội dung quảng cáo (Ad creative)

Phần nội dung quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách hàng nhấp vào tin nhắn. Cần chuẩn bị:

Tạo nội dung quảng cáo tin nhắn Facebook
  • Lựa chọn định dạng quảng cáo: Meta hỗ trợ nhiều định dạng như ảnh đơn, video hoặc băng chuyền (carousel). Tùy thuộc vào sản phẩm/ dịch vụ, bạn có thể chọn định dạng phù hợp.
  • Viết nội dung hấp dẫn: Nội dung quảng cáo nên ngắn gọn, tập trung vào lợi ích chính của sản phẩm và có lời kêu gọi hành động rõ ràng. Ví dụ: “Inbox ngay để nhận ưu đãi 50% trong hôm nay”. 
  • Thiết lập trải nghiệm tin nhắn: Bạn có thể chọn một trong hai tùy chọn: Tin nhắn mặc định (tin nhắn tự động khi khách hàng nhấn vào quảng cáo) Click to messenger nâng cao (cuộc trò chuyện với các nút lựa chọn khai thác nhu cầu).

Bước 4: Xuất bản và đợi duyệt

Nhấn “Xuất bản” để gửi quảng cáo đến hệ thống xét duyệt của Facebook. Nếu không vi phạm chính sách, quảng cáo sẽ được phê duyệt và hiển thị sau vài phút đến vài giờ.

3. Xử lý các lỗi thường gặp khi chạy quảng cáo tin nhắn

3.1. Quảng cáo bị từ chối

Meta có những chính sách nghiêm ngặt về nội dung quảng cáo, đặc biệt là các từ ngữ liên quan đến sức khỏe, cam kết tuyệt đối, so sánh sản phẩm hoặc hình ảnh nhạy cảm. Nếu quảng cáo bị từ chối, hãy kiểm tra lại:

  • Từ ngữ có gây hiểu nhầm hoặc vi phạm không?
  • Hình ảnh có chứa quá nhiều chữ hoặc yếu tố phản cảm không?
  • Landing page (nếu có) có hoạt động và tuân thủ chính sách không?

Bạn có thể chỉnh sửa và gửi lại để xét duyệt hoặc tạo chiến dịch mới nếu bị từ chối nhiều lần.

Xử lý lỗi phát sinh khi chạy quảng cáo tin nhắn Facebook

3.2. Quảng cáo không nhận được tin nhắn (dù đã được phân phối)

Đây là lỗi khá phổ biến. Nguyên nhân có thể do:

  • Nội dung không đủ hấp dẫn, khách hàng không có động lực nhấn “Gửi tin nhắn”
  • Thiết lập mục tiêu không đúng (chọn mục tiêu tương tác thay vì tin nhắn)
  • Không cấu hình phần “trải nghiệm tin nhắn” nên người dùng không thấy nơi để nhắn tin

Cách khắc phục: Bạn hãy kiểm tra lại phần creative, thử sử dụng mẫu quảng cáo có nút CTA rõ ràng như “Gửi tin nhắn” và đảm bảo bạn đã bật phần thiết lập nội dung hội thoại trong Trình quản lý quảng cáo.

3.3. Chi phí cho mỗi tin nhắn (CPT) cao bất thường

Chi phí cao có thể do bạn đang target sai đối tượng, lựa chọn vị trí hiển thị không hiệu quả hoặc thời điểm cạnh tranh cao. Ngoài ra, nội dung quảng cáo nhàm chán cũng khiến tỷ lệ nhấp thấp, làm tăng chi phí.

Cách xử lý:

  • Thử thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng mục tiêu để tìm tệp hiệu quả hơn
  • Kiểm tra lại content - ưu tiên tiêu đề rõ ràng, hình ảnh thu hút, có CTA mạnh
  • Thử test A/B 2-3 mẫu quảng cáo khác nhau để so sánh hiệu suất

4. Mẹo tối ưu quảng cáo tin nhắn hiệu quả

Để tạo được một quảng cáo tin nhắn Facebook chất lượng đòi hỏi cần phải có một cách tiếp cận đúng và A/B testing hiệu quả:

A/B Test để tìm ra quảng cáo chạy tốt nhất
  • Thường xuyên A/B test nội dung quảng cáo: Hãy tạo nhiều phiên bản khác nhau của nội dung, hình ảnh và lời kêu gọi hành động để xác định đâu là yếu tố thu hút khách hàng tốt nhất. Không nên chạy duy nhất một mẫu vì bạn sẽ khó biết được điều gì đang hoạt động hiệu quả.
  • Chọn khung giờ chạy quảng cáo phù hợp với hành vi người dùng: Nếu bạn nhắm đến khách hàng văn phòng, nên ưu tiên các khung giờ từ 11h-13h và 19h-22h. Với ngành hàng dành cho phụ nữ hoặc mẹ bỉm, có thể test thêm khung giờ sáng sớm và trưa.
  • Theo dõi chỉ số CPT (Cost per Thread) thường xuyên: Đây là chi phí cho mỗi cuộc trò chuyện được mở, phản ánh hiệu quả quảng cáo. Nếu CPT tăng cao bất thường, bạn nên xem lại nội dung, target hoặc ngân sách.
  • Tối ưu đối tượng mục tiêu sau 3-5 ngày chạy: Sau vài ngày đầu, hãy dựa trên dữ liệu từ chiến dịch để tinh chỉnh độ tuổi, sở thích hoặc vị trí địa lý. Tránh target quá rộng hoặc quá hẹp ngay từ đầu khiến quảng cáo tốn kém.
  • Sử dụng chatbot để tối ưu trải nghiệm người dùng và tăng khả năng chốt đơn: Chatbot AI giúp trả lời tin nhắn tức thì, cá nhân hóa và sàng lọc nhu cầu nhanh chóng. Đây là công cụ đặc biệt hữu ích khi bạn nhận nhiều inbox cùng lúc.

Xem thêm: Bí kíp tối ưu quảng cáo Facebook và kinh nghiệm chạy quảng cáo

5. Câu hỏi thường gặp (FAQ)

5.1. Tại sao tôi chạy quảng cáo nhưng không nhận được tin nhắn từ khách hàng?

Nguyên nhân có thể đến từ nội dung quảng cáo chưa đủ thu hút, sai đối tượng mục tiêu hoặc không cài đặt đúng trải nghiệm tin nhắn. Bạn nên kiểm tra lại nội dung, hình ảnh, lời kêu gọi hành động và trải nghiệm chat tự động.

5.2. Quảng cáo tin nhắn có tốn nhiều chi phí không? 

So với các hình thức như chuyển đổi hay tương tác, quảng cáo tin nhắn thường có chi phí thấp hơn nếu target đúng và nội dung đủ hấp dẫn. Tuy nhiên, chi phí có thể dao động tùy theo ngành hàng và độ cạnh tranh trong từng thời điểm.

5.3. Có cần dùng chatbot khi chạy quảng cáo tin nhắn không?

Không bắt buộc, nhưng rất nên dùng. Chatbot giúp trả lời khách hàng nhanh chóng, tự động gửi thông tin sản phẩm và hỗ trợ chốt đơn kể cả khi bạn không trực tuyến.

5.4. Tôi nên chọn Messenger, WhatsApp hay Instagram Direct để chạy quảng cáo tin nhắn?

Tùy vào nơi khách hàng mục tiêu của bạn thường xuyên sử dụng. Tại Việt Nam, Messenger vẫn là nền tảng phổ biến nhất và thường được ưu tiên khi bắt đầu.

Trên đây là tất cả thông tin chi tiết về quảng cáo tin nhắn Facebook mà Sapo cung cấp. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn có những chiến lược tiếp thị thành công với quảng cáo tin nhắn Facebook.

Chia sẻ bài viết:
Đánh giá bài viết:
5/5  (0 vote)
Nguyễn Thu Giang
Tác giảNguyễn Thu Giang

Biên tập viên

Dựa trên nền tảng nghiên cứu nội dung kinh doanh, tôi có hơn 5 năm kinh nghiệm xây dựng chiến lược và triển khai bài viết giúp nhà bán hàng nắm bắt xu hướng, tối ưu hoạt động và ra quyết định hiệu quả.
Quy trình biên tập nội dung tại Sapo