CEO DKT Trần Trọng Tuyến: “Tôi muốn xây… một nhà trẻ”

Một dịp gần đây tôi có cơ hội được phỏng vấn CEO của Công ty Cổ phần Công nghệ DKT – anh Trần Trọng Tuyến, không có những ngôn từ khách sáo, anh kể cho tôi nghe về hành trình khởi nghiệp của mình, về hoài bão lớn lao thời trẻ, nhưng trong đó điều khiến tôi ấn tượng nhất lại là một ước mơ bình dị đến khó hiểu của anh, anh muốn xây… một nhà trẻ.

ceo-dkt

Trần Trọng Tuyến - CEO Công ty Cổ phần Công nghệ DKT

Từ chàng sinh viên nhiệt huyết đến CEO phong cách “nông dân”

Sinh năm 1982, Trần Trọng Tuyến là một trong những CEO thành công tại lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam khi tuổi đời còn khá trẻ. Công ty của anh hiện đang có hơn 500 nhân viên tại hai chi nhánh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 3 sản phẩm chính là: Nền tảng bán hàng online Bizweb, Phần mềm quản lý bán hàng Sapo, Quảng cáo trực tuyến DKT Media.

Sau hơn 8 năm thành lập công ty và đã gặt hái được nhiều thành công cũng như giải thưởng lớn, ngỡ rằng vị CEO trẻ tuổi này sẽ có khí chất kiêu ngạo của một người thành công sớm, nhưng gặp rồi mới biết anh rất gần gũi và bình dị.

Anh từng từ chối khi được gọi bằng “doanh nhân” mà tự nhận mình là một người có phong cách “nông dân”, anh tâm sự rằng sự hào nhoáng và xa vời của hai từ đó không hợp với mình.

Mới nghe qua thì thấy khó hiểu, nhưng khi anh kể về những năm tháng khởi nghiệp tôi mới biết, không phải do anh khiêm tốn mà vì đã trải qua rất nhiều khó khăn nên anh càng trân trọng các giá trị thật hơn là danh tiếng phù phiếm.

Cách đây 11 năm, Trần Trọng Tuyến chỉ là chàng sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, rồi như bao đám bạn đồng trang lứa anh ứng tuyển vào một công ty công nghệ lớn làm lập trình viên.

Có lẽ anh sẽ mãi là một anh chàng IT ăn ngủ cùng code nếu không có lời gợi ý từ sếp: “Hãy làm điều gì đó khác đi so với những gì đang làm hiện tại”. Lại tình cờ vào thời điểm đó Tuyến được biết đến Alibaba.com và rất ấn tượng với những gì mà website này làm được cho nền kinh tế Trung Quốc, vì vậy trong anh bắt đầu nung nấu một ý tưởng về TMĐT “có thể giúp doanh nghiệp Việt bán hàng dễ dàng hơn trên Internet”.

Tuổi trẻ nhiệt huyết cũng đầy tham vọng, với sự ủng hộ từ sếp, anh Tuyến đã dành rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu và tạo ra một website TMĐT kì vọng đạt 500.000 USD sau 2 năm.

Nhưng lý thuyết luôn đẹp hơn thực tế, bắt tay vào làm rất nhiều vấn đề mới nảy sinh, cuối cùng dự án này đã “chết” sau 18 tháng. Mặc dù vậy anh cũng rút ra bài học đáng nhớ, anh chia sẻ: “Trên môi trường Internet, khi đã bị chậm chân là không làm nữa, để đỡ hao tổn thời gian và dành nguồn lực cho việc khác”.

Thất bại đầu đời chẳng những không làm chùn chân anh trên con đường khởi nghiệp mà càng khiến anh kiên định hơn với mục tiêu của mình. Nhận ra tiềm năng của TMĐT Việt Nam, năm 2008 anh xin nghỉ việc tại công ty, cùng 4 người bạn cùng chí hướng đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng một DKT.

Khi ấy nhân sự của DKT chưa bằng 1% bây giờ, số vốn chỉ vỏn vẹn 30 triệu, doanh thu cũng không thấm vào đâu. Thế nhưng họ có một niềm tin thành công to lớn, bằng tất cả niềm tin của nhân viên DKT 8 năm sau cộng lại, đó mới là nguồn vốn quan trọng nhất.

Anh Tuyến đã bắt đầu khởi nghiệp trong điều kiện thiếu thốn như thế, ngoài niềm đam mê, nhiệt huyết và sự đồng lòng thì không còn một sự giúp đỡ nào khác. Có lẽ chính vì vậy mà anh càng nâng niu, trân trọng thành quả hiện tại hơn là tự đắc về nó, và điều này đã tạo nên một CEO bình dị mang phong cách “nông dân” như anh vẫn thường nói đùa.

Hành trình quay đầu để tìm lại ước mơ

Thời gian đầu, vì thiếu vốn nên công ty gặp rất nhiều khó khăn, để tồn tại anh Tuyến và mọi người phải nhận gia công phần mềm để tăng tích lũy. Anh nhớ lại, “Chúng tôi nhận những dự án từ nhỏ đến cực nhỏ để có đủ chi phí cơ bản duy trì công ty, trả lương nhân viên”.

Cứ thế cho đến 2 năm sau, khi mọi thứ đã vào guồng quay thì họ lại gặp phải một thử thách khác, đó là có chấp nhận gạt bỏ thành quả hiện tại để quay về với mục tiêu ban đầu là xây dựng một ý tưởng TMĐT hỗ trợ bán hàng trực tuyến hay không.

Đây quả thực là một quyết định khó khăn vì vào thời điểm đó công ty bắt đầu thu lãi, nhận được nhiều dự án lớn và có nhiều khách hàng hơn. Rồi sau các cuộc họp bàn, thống nhất, cả nhóm quyết định rằng: “Nếu ‘chết’ thì ‘chết’ hẳn, còn hơn đi theo con đường mình không đam mê”.

Đây cũng là lúc đội nhóm bị chia tách, anh cùng 3 người khác bắt đầu lại với một thử thách mới, và kể từ đây sản phẩm đầu tiên của DKT – Bizweb – mới được hình thành.

Bizweb là một dịch vụ cung cấp hạ tầng để triển khai các website có khả năng trang bị công cụ để kinh doanh online. Điểm khác biệt của Bizweb là sử dụng một hệ thống chung cho toàn bộ trang web được tạo ra, hạn chế tối đa lỗi phát sinh và nâng cao chất lượng dịch vụ. 6 năm sau, người ta biết đến công nghệ này nhiều hơn dưới nền tảng “điện toán đám mây”.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chính nhờ sự nhanh nhạy, nắm bắt được xu hướng và trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực mà đến nay Bizweb đã trở thành nền tảng bán hàng trực tuyến được nhiều người sử dụng nhất Việt Nam, phục vụ hàng triệu giao dịch mỗi ngày cho 23.000 khách hàng là các chủ website thuộc hơn 30 lĩnh vực khác nhau.

Rồi sau đó những “đứa con” khác của DKT cũng được ra đời, lần lượt là Phần mềm quản lý bán hàng Sapo, DKT Media, tạo ra bộ ba dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp và chủ shop kinh doanh trực tuyến.

Tôi muốn xây… một nhà trẻ

Tôi muốn xây một...nhà trẻ

Đây là ước mơ tưởng như không bao giờ có của một CEO khởi nghiệp từ công nghệ, nhưng khi kể lại câu chuyện của mình Tuyến đã từng tâm sự với tôi như thế. Anh bảo: “Chúng tôi luôn xác định nhân lực là linh hồn, là yếu tố sống còn của công ty, nên nếu có thể, tôi muốn xây một… nhà trẻ. Tôi nhận thấy rằng, nếu có một nhà trẻ thật tốt gần công ty, nhân viên của tôi có thể vừa làm tốt vai trò người bố, người mẹ, vừa có thời gian và tâm trí dành cho công việc”.

Nếu được nghe anh nói trực tiếp những điều này thì tin rằng chính các bạn cũng ngạc nhiên với suy nghĩ kỳ lạ ấy, nhưng ngẫm lại mới thấy đây hoàn toàn là tư tưởng tầm cao của một CEO chuyên nghiệp. Những CEO như thế luôn biết đâu mới là nhân tố cốt lõi tạo nên thành công của công ty và làm cách nào để phát triển nhân tố đó.

Trong giai đoạn công ty gặp khó khăn nhất, từ năm 2010 đến 2011 khi Bizweb mới đi vào hoạt động, DKT liên tục thua lỗ vì chi phí vận hành quá cao. Nhưng chưa một lần công ty khất lương nhân viên, thậm chí có thời điểm anh Tuyến phải đi vay mượn để trả cho mọi người đúng hẹn. Triết lý quản trị của anh là: “Lương sếp có thể thiếu nhưng tiền trả cho nhân viên thì nhất định không thể chậm”.

Kể với tôi đến đó anh cũng chia sẻ thật lòng: “Có năm Tết đến tôi còn không dám ra đường vì không có tiền mừng tuổi. Nhưng dù thế nào chúng tôi vẫn luôn đảm bảo cho nhân viên được nhận lương đầy đủ và đúng ngày”.

Giờ đây khi công ty đã trở nên lớn mạnh, DKT vẫn là một môi trường tuyệt vời cho nhân viên với một không khí tươi trẻ, luôn sôi động và đầy nhiệt huyết. Tại DKT nhân viên được thỏa sức sáng tạo để nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời cũng được thư giãn, gắn kết với mọi người nhờ những hoạt động ngoại khóa tổ chức thường niên.

Chính điều này đã tạo ra một tinh thần làm việc đặc biệt chỉ có ở DKT, góp phần lớn trong thành công hiện nay của công ty- anh Tuyến chia sẻ thêm.

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM