Trở thành tỷ phú dưới 30 tuổi với ý tưởng kinh doanh nông nghiệp

Từ xưa đến nay có mấy ai muốn chân lấm tay bùn, muốn cả đời quanh quẩn với con gà, con lợn, nhất là khi nước ta đang trong quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá. Những cử nhân trẻ sau khi tốt nghiệp hầu như đều muốn tìm một công việc ổn định, thu nhập khá nơi thành phố nhộn nhịp chứ chẳng mấy ai mặn mà với nghề nông vất vả, cơ cực. Thế nhưng có những người lại đi ngược lại với số đông, họ chọn nông nghiệp làm lĩnh vực khởi nghiệp kinh doanh, và rồi họ trở thành những tỷ phú khi chưa đến ba mươi tuổi. Hãy cùng chúng tôi tìm đến họ, những doanh nhân trẻ thành đạt nhờ nhiệt huyết, nhờ đam mê và nhờ ý tưởng kinh doanh nông nghiệp độc đáo của mình.

1. Tuổi thơ vé số và ước mơ đông trùng hạ thảo

Hai mươi ba tuổi, chỉ mới tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, thế nhưng Ngô Kim Lai đã trở thành hiện tượng mới nổi trong lĩnh vực nuôi trồng nấm, nhận được hàng chục lời đề nghị hợp tác và xin học hỏi kinh nghiệm, thậm chí có người còn thuyết phục cậu bán lại công thức nuôi trồng với giá nửa tỷ. Thế nhưng chàng trai ấy đã từ chối tất cả và quyết định mở một công ty riêng, tự phát triển thương hiệu đông trùng hạ thảo mang tên Kim Lai.

Nhìn thấy vị giám đốc giản dị này lên nhận giải thưởng cùng 100 doanh nhân thành đạt khác của Nhà hát lớn, mấy ai biết được đằng sau vinh quang ngày hôm nay là tuổi thơ cơ cực 8 năm bán vé số phụ mẹ trang trải nợ nần. Có lẽ chính những khó khăn trong quá khứ ấy mới tạo nên Ngô Kim Lai đầy nghị lực như hiện tại, để chàng trai trẻ này bất chấp lời ngăn cản mà “ăn nằm cùng nấm cùng sâu” trong suốt một năm với hơn một nghìn lần thí nghiệm thất bại. Và cuối cùng mẻ nấm đông trùng hạ thảo thành công đầu tiên cũng ra đời sau bao cố gắng của Lai.

Quá trình thí nghiệm của Lai cũng không dễ dàng, giai đoạn đầu cậu liên tục bị lừa đảo khi nhập mua giống nấm từ nước ngoài, không có trang thiết bị chuyên nghiệp, thiếu thốn nhân lực và tài chính,… Còn giờ đây Lai đã có công ty riêng, đầu tư 2 phòng lạnh để nuôi trồng đông trùng hạ thảo với công suất 150kg/tháng. Thành phẩm của Lai có hàm lượng dược tính Cordycepin cao gấp gần 4 lần đông trùng hạ thảo trong tự nhiên, mang đến giá trị kinh tế và y dược rất cao. Và sắp tới, Lai sẽ bán ra thị trường sản phẩm của mình với giá 100 triệu đồng/1 kg, tính theo công suất dự định có thể thấy lợi nhuận hàng tỷ là điều nằm trong tầm tay với Lai.

Ở Lai chúng ta học được tinh thần luôn tìm tòi, khám phá và nghị lực cố gắng của chàng trai này. Điểm xuất phát có thể không tốt nhưng hướng đi và phương pháp tiến lên sẽ quyết định thành công của bạn.

2. Kiếm hơn 2 tỷ mỗi năm chỉ nhờ ý tưởng kinh doanh nông nghiệp nuôi gà

Một con gà thì bán được bao nhiêu tiền? Hơn trăm nghìn là nhiều. Một đàn gà thì bán được bao nhiêu? Cùng lắm là vài triệu. Thế còn nguyên một trang trại gà có tới hàng nghìn con thì sao? Chắc phải vài tỷ đồng! Bạn không cần nghi ngờ về con số khủng này, bởi anh Trần Văn Hải tại Thái Hoà, Nghệ An đã chứng minh được điều đó nhờ thành công đáng khâm phục của mình.

Chỉ tốt nghiệp cấp III, anh Hải quyết định không thi đại học để ở nhà nối nghiệp xưởng gỗ của gia đình. Thế nhưng niềm đam mê nuôi gà có từ thuở đi học đã thôi thúc anh vay vốn để mở một trang trại với hơn 500 con vào năm 2012. Mặc dù lứa thứ hai bị bệnh dịch chết gần hết nhưng anh không nản chí, mà còn hăng hái đi học các lớp tập huấn chăn nuôi phát triển kinh tế và đi tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ những mô hình nuôi gà khác. Chính bằng sự nỗ lực, không ngừng học hỏi của anh mà từ năm 2012 đến nay trang trại gà không bị một lần bệnh dịch nào cả.

Hiện nay trang trại của anh Hải rộng 720 mét vuông với hơn 1000 con gà, cung cấp 10 tấn thịt gà và 80.000 quả trứng mỗi năm. Kết hợp cùng xưởng mộc doanh thu ước tính mà anh Hải thu được khoảng trên 1,5 tỷ đồng, một con số khủng đối với những người chưa đến 30 tuổi.

Ở anh những người khởi nghiệp như chúng ta học được tinh thần ham học hỏi, luôn cầu toàn và đảm bảo mọi thứ phải đạt chuẩn chất lượng. Đây đều là những phẩm chất quan trọng với những ai mới bắt đầu kinh doanh.

3. Biến những thứ không thể thành có thể

Chất thải nông nghiệp không quá nguy hiểm và độc hại như công nghiệp, thế nhưng nếu không có phương pháp xử lý nhanh chóng cũng sẽ làm ô nhiễm môi trường. Đây là nỗi trăn trở của chàng trai sinh năm 1990, Lê Trường An mỗi lần về quê nhà Nam Định phải nhìn cảnh rơm rạ, trấu thóc chất thành từng đống ngoài đường. Lại nhân một dịp đi công tác miền Tây, được tham quan nhà máy sản xuất củi trấu phục vụ công nghiệp, anh chàng kỹ sư trẻ tuổi này đã quyết định xin nghỉ về quê ngay sau đó với kế hoạch xây dựng nhà máy tương tự.

Dĩ nhiên kế hoạch này quá mới lạ này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình anh, phải đến khi anh dẫn bố đến quan sát thực tế một số nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, Hải Phòng mới bắt đầu làm thay đổi cách nhìn của ông. Nhờ vậy mà anh An đã xoay được 200 triệu tiền vốn đầu tiên. Đến đầu năm 2013, anh xây dựng nhà xưởng quy mô 1000 mét vuông, đến nay đã có 2 máy sản xuất với 10 công nhân làm việc, cho tổng doanh thu mỗi năm từ 2 đến 2,5 tỷ đồng. Quãng thời gian sắp tới anh có dự định mua thêm máy và mở rộng quy mô nhà xưởng hơn nữa để phục vụ nhu cầu phát triển.

Nhìn vào sự thành công của anh An có mấy ai nghĩ rằng nó đến từ những cọng rơm, đấu trấu vẫn vứt đi không hết, anh đã biến thứ không thể thành có thể. Ở anh ta học được sự quyết đoán, dám từ bỏ để thực hiện ước mơ, học được cách quan sát tỉ mỉ để sáng tạo những ý tưởng kinh doanh độc đáo.

4. Dang dở việc học vẫn kiếm hàng trăm triệu đồng nhờ ý tưởng kinh doanh nông nghiệp

Đó là câu chuyện đáng khâm phục của cậu trai sinh năm 1994, Phạm Văn Bảo Trung, mặc dù nghỉ học từ năm lớp 10 do không có duyên với con chữ nhưng Trung vẫn có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng nhờ 250 đàn ong của mình. Đầu năm 2009, một người mang gần 100 đàn ong mật lên vườn cà phê nhà Trung nhờ hút mật hoa, quan sát cách đàn ong hút mật và phương pháp người quen kia chăm sóc chúng, Trung bắt đầu cảm thấy thích nghề nghiệp thú vị này. Thế là cậu trai trẻ khăn gói đi học nghề, và bằng niềm đam mê cùng tinh thần chịu khó học hỏi, chỉ trong vòng 6 tháng Trung đã thu được rất nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong.

Trở về nhà, Trung thuyết phục gia đình, vay mượn được 50 triệu và đầu tư mua 80 đàn ong về nuôi ngay tại vườn cà phê của gia đình. Sau 4 tháng dày công chăm sóc cuối cùng cậu cũng có được mùa thu hoạch đầu tiên đầy mỹ mãn với mật, phấn và sữa ong chúa, lợi nhuận thu được đủ trả nợ, thậm chí còn có lãi để xoay vòng đợt sau. Kể từ đó Trung tập trung phát triển đàn ong hơn, mỗi năm từ tháng 12 đến tháng 4 là mùa hoa cà phê thì thu mật, thu phấn, các tháng còn lại thì chỉ lấy sữa ong chúa. Tính đến nay cậu đã sở hữu 250 đàn ong tất cả.

Trung chính là tấm gương trẻ vươn lên làm giàu điển hình của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù không đi học đầy đủ như các bạn nhưng với khát vọng, với đam mê cậu vẫn thành công như ngày hôm nay. Tin chắc rằng trong tương lai sẽ còn nhiều vinh quang lớn hơn đến với Trung.

5. Phất lên nhờ chim trĩ

Bỏ ngang giấc mơ đại học, anh Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1990 tại Lý Nhân, Hà Nam về làm thuê cho người chú tại một trại nuôi chim. Nhờ khả năng quan sát và tinh thần học hỏi, anh nhận thấy trong tất cả các loại chim mà chú mình nuôi, có loại chim trĩ đỏ giá vừa phải, chuyên bán lấy thịt sẽ có đầu ra dễ hơn các loại khác. Thế là một năm sau anh về nh, quyết định cùng gia đình vay vốn khoảng 40 triệu đồng xây dựng trai nuôi chi trĩ đỏ rộng chừng 30 mét vuông. Hiện nay trang trại của anh đã nới rộng đến 2000 mét vuông, đỉnh điểm nuôi tới hơn một nghìn con chim trĩ.

Anh tâm sự, từ năm 2013 trở đi chim trĩ được xếp vào diện động vật cho phép chăn nuôi buôn bán bình thường, còn trước đó anh phải rất vất vả xin thủ tục, giấy tờ mới xuất chuồng đem kinh doanh được. Anh cũng chia sẻ, thịt chim trĩ bán được vào khoảng tháng 9 đến tháng 2 năm sau, giá mỗi kg vào khoảng hơn 200.000đ, trừ chi phí chăn nuôi anh thu được lợi nhuận trên 200 triệu mỗi năm. Còn vào những tháng khác, anh Thắng chủ yếu bán chim giống và chim hậu bị (chuyên để sinh sản), với số lượng xuất chuồng hơn 1000 chim non và 400 chim hậu bị, anh thu về khoảng 300 triệu một năm. Như vậy tính qua có thể thấy thu nhập của anh thuộc hàng cao, nhất là lĩnh vực anh chọn lại là nông nghiệp.

Ông chủ trẻ cho rằng nuôi chim thương phẩm, bán thịt thì nhanh thu hồi vốn hơn, còn phát triển nuôi giống thì hơi khó, đầu tư lâu dài và phải có kỹ thuật chăm sóc tốt. Anh cũng khuyên người nuôi không nên ham nhiều, nuôi ồ ạt mà phải mở rộng quy mô từ từ.

6. Vườn phật thủ trăm triệu của chàng trai Thanh Hoá

Cũng như anh Thắng, chàng trai miền núi Thanh Hoá của chúng ta không thể thực hiện ước mơ đại học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vất vả. Thế nhưng bằng ý chí vươn lên làm giàu cùng khả năng nắm bắt xu hướng thị trường tốt,  đã trở thành tấm gương cho những thanh niên miền quê nghèo xứ Thanh.

Sau kỳ tập huấn nghĩa vụ quân sự, Xoa trở về quê, nhận thấy loại quả bưởi hình dáng kì lạ như bàn tay Phật được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt vào dịp lễ Tết. Thế là chàng trai trẻ bắt đầu tìm hiểu về loại quả này, đến tận những nhà vườn tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang,… để tầm sư học đọc, quyết học hỏi cho bằng được kỹ thuật và kinh nghiệm trồng phật thủ. Khi đã có được lượng kiến thức nhất định, ước mơ làm giàu của Xoa lại tiếp tục gặp phải trở ngại vì thiếu vốn và gia đình ngăn cản. Nhưng với sự kiên định, khả năng thuyết phục anh đã vay được ngân hàng khoảng 50 triệu cộng thêm khoản mượn của người thân, nhập về từ Hà Nội 300 gốc cây phật thủ để gây giống. Ngoài ra, chàng trai này còn trích ra thêm 18 triệu để mua 12 cặp chim trĩ giống cùng 400 con gà ri, kết hợp cả nuôi và trồng, như vậy mới thấy đầu óc tính toán của Xoa rất tinh tế.

Thế nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại, nuôi trồng vất vả là thế, mà gần đến mua bưởi ra quả lại trúng mùa khô hạn, hai chị em Xoa phải thức trắng nhiều đêm xách nước xa hàng cây số về tưới cho cây. Còn số gà ri gần một phần tư trong số mua về bị bệnh mà chết yểu, chim trĩ cũng khó khăn lắm mới sống sót. Mặc dù vậy Xoa vẫn không bỏ cuộc, anh luôn cố gắng chăm bẵm để đợi ngày thu trái ngọt.

Và trời không phụ lòng người, dịp tết 2014 Xoa cùng gia đình phấn khởi thu hoạch 300 cây phật thủ, mang về hơn 1000 quả, giá bán ra trung bình 80.000đ một quả. Đàn chim và gà ri anh nuôi cũng mang về một khoản thu nhập không nhỏ. Lợi nhuận mà anh thu về ước tính gần 500 triệu mỗi năm và khá ổn định. Hiện tại anh đã mở rộng quy mô thêm 500 cây phật thủ giống cùng trên 400 con gà, hơn 20 cặp chim nữa. Với những dự định ấy, chắc chắn trong tương lai không xa Xoa sẽ trở thành một tỷ phú nông dân thực sự.

Với 6 tấm gương này đã chứng minh rằng nông nghiệp không có nghĩa là nghèo khổ, có những người đã trở thành tỷ phú với những ý tưởng kinh doanh nông nghiệp độc đáo đó.

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM