Google Analytics: Số liệu bạn thấy chưa chắc đúng (P1)

Không thể phủ nhận rằng vào thời điểm hiện tại, Google Analytics (GA) là công cụ phân tích website, đo lường hiệu quả các chiến dịch marketing online hiệu quả và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Blog Sapo cũng đã có nhiều bài viết giới thiệu cách sử dụng công cụ vô cùng mạnh mẽ này. 

Tuy nhiên, nếu là một người đã từng chạy các chiến dịch quảng cáo và đo lường hiệu quả qua Google Analytics, bạn chắc chắn đã gặp phải vấn đề số lượng click vào banner khác với số lượng visit? hoặc sai khác với kết quả của Google Adwords? Đây chỉ là một ví dụ nho nhỏ về những vấn đề bạn có thể gặp phải khi sử dụng Google Analytics.

Hiện tại có rất nhiều người sử dụng Google Analytics nhưng rất ít người hiểu được đầy đủ về ý nghĩa thực sự của các dữ liệu đó. Điều này dẫn đến có thể bạn sẽ đưa ra một số quyết định sai lầm khi sử dụng các số liệu này.

1. Google Analytics hoạt động như thế nào?

Để Google theo dõi được website của bạn, thông thường phải trải qua các bước như trong sơ đồ hoạt động dưới đây:

Bước 1: Người quản trị website gắn 1 đoạn code (mã theo dõi) do GA cung cấp vào website mình sở hữu

Bước 2: Khi người dùng truy cập website của bạn, mã code này sẽ theo dõi và thu thập các thông tin, hành vi của người dùng trên site: người dùng đến từ đâu, thông tin nhân khẩu, sử dụng thiết bị gì, trình duyệt nào, đã tương tác gì với website....

Bước 3: Dữ liệu thô được gửi về Google Analytics để tổng hợp và GA sẽ tiến hành sắp xếp, lọc ra các dữ liệu có ích.

Bước 4: Thông qua các bộ lọc và cài đặt mà Google Analytics cung cấp sẽ tiến hành tổng hợp, phân tích dữ liệu website theo các yêu cầu công việc cụ thể. (Chính là các report bạn vẫn xem)

2. Vậy, số liệu nào trên báo cáo của Google Analytics sẽ không chính xác, và ở bước nào?

2.1 Không đúng ở nguồn traffic (nguồn kênh truy cập)

Khi bạn xem báo cáo lượng truy cập (Traffic) kéo về website sẽ đến từ các nguồn cơ bản sau:

  • Organic Search: khách hàng đến website thông qua các kênh tìm kiếm (Google, Yahoo, Bing, v.v…) thông qua kết quả tìm kiếm tự nhiên (organic).
  • Paid Search: cũng đến từ các công cụ tìm kiếm nhưng người dùng click vào các link quảng cáo trả phí (thay vì click vào các link thông thường).
  • Display: người dùng đến website từ các quảng cáo banner trên các website thuộc display ad network.
  • Referral: người dùng đến website bằng cách bấm vào các đường link từ các trang web khác.
  • Social: người dùng đến website thông qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Google+, LinkedIn, v.v…
  • Email: người dùng đến website bằng cách bấm các đường link trong email. (nguồn này bạn sẽ không có nếu chưa đặt code cho email marketing)
  • Direct: người dùng đến website bằng cách gõ địa chỉ web vào trình duyệt hoặc mở bookmark.
  • (Other): người dùng đến website bằng các nguồn traffic khác không nằm trong các kênh phía trên.

Mặc dù phân biệt khá rành mạch như vậy nhưng số liệu GA có thể gây nhầm lẫn lớn trong rất nhiều trường hợp.

2.2 Organic Search không phản ánh chính xác kết quả SEO

2.2.1 Một phần Organic Search nên được xếp vào Direct

Hãy thử nghĩ về vấn đề này: Khi khách hàng muốn mua hoa tươi online, họ sẽ tìm kiếm với các từ khóa đại loại như: "Đặt hoa online", "Điện hoa" v.v. Khi tìm kiếm như vậy mà họ tìm được đến website của bạn thì đây là Organic Search (nguồn truy câp qua tìm kiếm tự nhiên).

Nhưng rất nhiều khách hàng đã biết thương hiệu của bạn rồi, chỉ vì họ không lưu bookmark hoặc không nhớ địa chỉ website nên họ sẽ gõ tên cửa hàng hoa trực tiếp vào ô tìm kiếm. Những nguồn truy cập này thực chất nên xếp vào Direct.

Một số khách hàng của Sapo Web khi làm SEO đã kéo về một lượng truy cập rất lớn từ Google nhưng khi phân tích thì một lượng lớn truy cập này lại do khách hàng gõ trực tiếp tên của thương hiệu, có nghĩa là các từ khóa họ SEO thực chất chưa mang lại khách hàng.

Để tránh nhầm lẫn vấn đề này, bạn nên tạo riêng một report để xem số lượng tìm kiếm thương hiệu của bạn.

  • Cách làm:

Trong mục Báo cáo của Google Analytic, cột menu bên trái tìm đến Sức thu hút>>Kênh.

Phía trên phần biểu đồ sẽ có mục "Thêm phân đoạn" >> Chọn "Phân đoạn mới".

Điền tên phân đoạn (ở đây ví dụ là Branded Search Traffic); chọn các mục như hình minh họa.

Nếu thương hiệu của bạn có nhiều tên hoặc có thể xảy ra gõ sai thì nên ghi tất cả các từ khóa vào đây, phân cách bằng ghạch dọc ( | ). Chọn "Lưu"

Organic Search

Vậy là bạn đã xem được bao nhiêu nguồn truy cập là từ việc tìm kiếm thương hiệu của bạn trên google, bing, yahoo...

2.2.2 Rất nhiều "Direct" vốn là "Organic Search"

Hãy nhìn lại mô tả hoạt động của Google Analytics, bạn có thắc mắc vì sao GA xác định được nguồn truy cập nào đến từ đâu? Cách làm cơ bản là Google Analytics thêm một đoạn code để xác định nguồn truy cập. Tuy nhiên vì một vài lý do mà những đoạn code này bị mất, chính vì thế Google Analytics sẽ xếp nó vào direct.

Để kiểm tra việc này, bạn vào mục Kênh, click vào Direct, chú ý đến những đường link dài, khó nhớ, rất có thể đây là Organic Search.

long-tail-organic-traffic-trong-direct

2.2.3 Nhiều Referral nhưng lại chính là Organic Search

Đa phần Google Analytics nhận diện được các công cụ tìm kiếm lớn như Google, Bing, Yahoo... nhưng các công cụ tìm kiếm nhỏ thì không, ví dụ như Coccoc, Laban... (Đặc biệt ở Việt Nam dùng nhiều Coccoc) chính vì vậy các trang tìm kiếm này sẽ bị đẩy vào Referral khiến lầm tưởng có nhiều trang web dẫn link đến website của bạn.

Đối với Blog Sapo, hàng ngày có tới hơn 1 nghìn lượt truy cập thông qua tìm kiếm trên Coccoc nếu vậy sẽ tạo ra sai số rất lớn khi nhìn vào kết quả.

referal-google-analytics

  • Các giải quyết:

Định nghĩa cho Google Analytics biết đâu là công cụ tìm kiếm. Vào phần Quản trị của Google Analytics > Thuộc tính > thông tin theo dõi > tìm kiếm không phải trả tiền và bấm thêm công cụ sau đó điền các thông số tương ứng.

Ví dụ: domain name là domain của search engine và query parameter là phần trước dấu “=” trong kết quả tìm kiếm của search engine đó, trường hợp của Wada.vn là “q”. (Tham khảo hướng dẫn trong hình dưới)

search-google-analytics

search-engine-add

Vậy đã tạm kết thúc phần 1 của bài viết về cách hiểu đúng số liệu Google Analytics. Đây mới chỉ là các sai số trong Organic Search, vấn đề của Google còn nằm ở rất nhiều chỉ số khác mà các bạn sẽ được phân tích ở hai phần tiếp theo của bài viết.

TÓM TẮT

1. Google Analytics định nghĩa nguồn người dùng truy cập rất rõ ràng nhưng việc nhầm lẫn giữa các nguồn là phổ biến và con số sai sót là rất lớn.

2. Nên xây dựng một phân đoạn riêng để kiểm tra bao nhiêu người truy cập website vì họ biết đến thương hiệu.

3. Cần giúp Google Analytics định nghĩa rõ hơn các công cụ tìm kiếm để điều chỉnh sự sai sót trong các nguồn truy cập.

Xem thêm: Google Analytics: Những số liệu bạn thấy đã thật sự đúng? (P2)

Tweet
5/5 (0 vote)

BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM