Doanh nghiệp nội ồ ạt tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa các đại gia ngoại và các doanh nghiệp nội trong việc tranh giành miếng bán bán lẻ. Đương nhiên, với những lợi thế về nguồn nhân lực, nguồn vốn, kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ chính sách đối ngoại với những doanh nghiệp FDI thì các đại gia ngoại đang chiếm vị thế áp đảo. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hiện nay thị phần và cơ hội phát triển của các doanh nghiệp trong nước vẫn đang rộng mở. Do đó, vấn đề mang tính quyết định ở đây là sự nắm bắt và xử lý thời cơ của họ ra sao mà thôi.

 thị trường bán lẻ Việt Nam

Thực tế cho thấy trong thời gian qua, đã bùng nổ một làn sóng tấn công ồ ạt vào thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp nội. Đơn cử như Công ty Cổ phần Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) - thành viên của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) - mới đây đã khai trương siêu thị Ocean Mart thứ 5 tại Hà Nội mang tên Ocean Mart Starbowl (quận Đống Đa). Theo kế hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Ocean Retail sẽ tiếp tục khai trương thêm 2 siêu thị Ocean Mart khác ở Trung tâm thương mại Times City, và Hà Tĩnh. Hiện tập đoàn này đang lên kế hoạch đến cuối năm 2015 sẽ có 70 siêu thị đi vào hoạt động và trở thành một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất toàn quốc. Rõ ràng, việc liên tiếp mở thêm các siêu thị mới của Ocean Retail không khỏi khiến cho các nhà bán lẻ ngoại phải dè chừng.

 

Tương tự, tập đoàn Sơn Hà mới đây đã khai trương đại siêu thị Hiway thứ 2 tại Hà Nội. Phát biểu tại lễ khai trương siêu thị Hiway Ngọc Khánh, ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó tổng giám đốc điều hành và nội vụ Hiway Supercenter cho biết kế hoạch mở thêm các siêu thị mới của tập đoàn vẫn đang gấp rút được thực hiện. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán 2014, Hiway sẽ mở tiếp siêu thị thứ 3 tại huyện Từ Liêm với quy mô tương đương Big C Thăng Long và sẽ tiếp tục “phủ sóng” cả nước với 20 đại siêu thị trong vòng 5 năm tới. Điều đáng nói là dù mới mở cửa siêu thị thứ 2 trên thị trường Hà Nội, nhưng đại diện của Hiway khẳng định “không hề run sợ trước bất cứ đối thủ nào” với chiến lược phát triển đi sâu vào nội thành, vào các tuyến phố trung tâm - nơi các đại siêu thị của những doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài như Big C hay Metro vẫn đang bỏ ngỏ.

 

Bằng việc khai trương 2 trung tâm bán lẻ tại Hà Nội với tên gọi Eximart, Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp (Conexim) đã chính thức gia nhập vào thị trường bán lẻ. Theo lãnh đạo của Conexim, việc dấn thân vào thị trường bán lẻ đang được coi là chiến lược trọng tâm trong việc đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh của công ty. Dự kiến trong năm 2014, Conexim sẽ tiếp tục khai trương 2 siêu thị nữa, cũng tại Hà Nội và 1 siêu thị tại một tỉnh phía Bắc. Trong kế hoạch dài hơi hơn, hệ thống Eximart sẽ được mở rộng theo chiến lược “vết dầu loang”, ban đầu “phủ sóng” dần các quận của Hà Nội, các thành phố, tỉnh phía Bắc và sau đó là trên cả nước.

 

thị trường bán lẻ Việt Nam 1

 

Rõ ràng, với đà “xâm lấn” thị trường bán lẻ của các doanh nghiệp nội như trên, rất có thể, trong tương lai gần, miếng bánh thị phần bán lẻ sẽ không chỉ dành riêng cho các “đại gia” ngoại. Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 125 trung tâm thương mại (các tập đoàn nước ngoài chiếm 25%) và 700 siêu thị (tập đoàn nước ngoài chiếm 40%). Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các doanh nghiệp nội thông qua việc rầm rộ mở thêm các điểm bán mới đang đặt ra những thách thức mới đối với các nhà bán lẻ ngoại. Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Đầu tư, ông Laurent Zécri, Tổng giám đốc Big C Việt Nam, cũng thừa nhận đang phải đối mặt với những thách thức nhất định trước sự tấn công của các doanh nghiệp trong nước.

 

Có thể thấy, sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp nước ngoài, tạo nên một cuộc chiến, tranh giành thị phần gay gắt giữa các “tân binh” nội và các “lão làng” ngoại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dù kinh tế khó khăn, nhưng tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ cả nước năm 2012 vẫn đạt trên 2,32 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Trong đó, kinh doanh thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 14,8%. Tuy nhiên, theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, sở dĩ các doanh nghiệp nội vẫn đang bị lỡ nhịp ngay trên sân nhà một phần là do những chính sách hỗ trợ phát triển của nhà nước lại đang “nghiêng” hẳn về những “ông lớn” ngoại.

 

Đặc biệt là chính sách giới hạn chi phí quảng cáo trên tổng chi phí doanh nghiệp đã từng bị ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT công ty Sabeco - nhận định thẳng thắn rằng: “Đây là quyết định dại nhất còn sót lại ở thế kỷ 21” và đặt ra câu hỏi: “Làm sao chinh phục được khách hàng, nếu không truyền thông quảng cáo, không hỗ trợ khách hàng?” Dù quyết định tăng từ 10% lên 15%, song như ông Tuất chỉ ra, nếu vẫn tính theo tổng chi phí thì việc làm khó doanh nghiệp là không thay đổi. Bởi chi phí phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp chỉ được biết sau khi có báo cáo của kiểm toán Nhà nước vào ngày 31/3 năm sau, tức là trong thời gian hoạt động, doanh nghiệp chẳng thể nào biết được mình sẽ được dùng bao nhiêu tiền của mình để chinh phục khách hàng. Trong khi đó, quảng cáo luôn là công cụ trọng điểm của bất kỳ một chiến dịch marketing nào, mà marketing không tốt cũng đồng nghĩa với việc tự xếp mình ở chiếu dưới nhìn đối thủ ngoại tăng tốc vượt lên phía trước.

Tweet
5/5 (0 vote)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM