Ði tìm mô hình bán lẻ cho Hà Nội

Hệ thống mô hình bán lẻ của Hà Nội đang từng bước chuyển mình từ kinh doanh truyền thống theo kiểu "36 phố phường" sang tiếp cận dần với xu hướng mới.

siêu thị bán lẻ

Mô hình bán lẻ nào phù hợp nhất?

Hình ảnh Ði tìm mô hình bán lẻ cho Hà Nội số 1Có 3 yếu tố cấu thành bán lẻ: Địa điểm - Hệ thống quản lý - Nguồn cung ứng hàng. Trong đó, địa điểm là yếu tố đầu tiên để bắt đầu kinh doanh bán lẻ. "Buôn có bạn, bán có phường", câu ngạn ngữ này đến tận hôm nay vẫn đúng với thị trường bán lẻ và người tiêu dùng ở không riêng Hà Nội. Các địa điểm đó dường như là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho kinh doanh phân phối bán lẻ thành công. Hãy lên google để kiểm tra các trung tâm mua sắm, phân phối bán lẻ, siêu thị… Có phải tất cả chỉ ở mấy quận trung tâm? Bên cạnh đó, nếu so sánh với một số quốc gia và thủ đô trong khu vực và châu Á, mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội chỉ rẻ hơn Bắc Kinh, Singapore trong khi đắt hơn cả Đài Loan, Bangkok, Jakarta. Đây là bài toán hết sức khó khăn đối với các nhà bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là khi muốn thuê mặt bằng ở khu trung tâm hoặc những địa điểm thương mại thuận tiện.

Theo đánh giá của AT Kearney, một hãng tư vấn quản lý toàn cầu, trên nhiều phương diện Việt Nam giống như một "Tiểu Ấn Độ", đặc biệt là ở tính manh mún của thị trường bán lẻ. Trên thực tế, 90% số điểm bán là các cửa hàng của hộ gia đình giăng la liệt khắp nơi, tương tự như các cửa hàng kirana (chạp phô) ở Ấn Độ. Rõ ràng, một "nền thương nghiệp toàn dân" nhỏ lẻ, phát triển một cách bột phát như vậy, cần phải được tổ chức lại và đây chính là đất "dụng võ" cho các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia khi chúng ta mở cửa thị trường này.

Siêu thị chuyên biệt - hướng đi mới

Ở các quốc gia: Mỹ, Đức, Pháp, Nhật… từ lâu đã hình thành các siêu thị chuyên biệt như: siêu thị vật liệu xây dựng trên diện tích từ 10.000 - 14.000m2, siêu thị thuốc, cây xanh, đồ gỗ, điện tử, xi măng, sơn, siêu thị giấy dán tường... Còn tại Việt Nam hiện nay, mới hình thành siêu thị chuyên biệt về hàng điện máy, điện thoại di động. Đây chính là mô hình mở ra để đón đầu nhu cầu mua sắm của giới trẻ. Trên thế giới, ở những nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, các siêu thị tổng hợp đang dần nhường chỗ cho các siêu thị chuyên biệt. Theo giáo sư Masayoshi Maruyama, Khoa sau đại học quản trị kinh doanh, trường Đại học Kobe (Nhật Bản), trong thời gian tới, sự chuyên biệt hóa cũng sẽ xảy ra với các siêu thị tại Hà Nội. Đối với các siêu thị thực phẩm cũng sẽ dần dần tạo sự chuyên biệt nhắm vào đối tượng là những người tiêu dùng già hơn. Theo đó, sẽ hình thành các siêu thị thực phẩm tươi sống riêng, siêu thị thực phẩm khô riêng. Với hàng tươi sống, theo nghiên cứu của GS. Maruyama, hệ thống chợ truyền thống tại Hà Nội rất cạnh tranh về mặt giá cả, độ tươi sống và sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Trong khi đó, các siêu thị tại Hà Nội với hệ thống kho lạnh và giao nhận chưa đáp ứng đầy đủ những nhu cầu đó nên không hoàn toàn thu hút người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tươi sống ở siêu thị.

Cho nên có thể hiểu, vì sao trong thời gian qua, các chợ tại trung tâm thành phố được nâng cấp như: chợ Cửa Nam, chợ Bưởi, chợ Mơ... là để nhắm vào yếu tố văn hóa tiêu dùng."Người Việt vẫn tin tưởng yếu tố tươi sống ở đó" -giáo sư nói. "Ở Nhật có mô hình giao hàng dựa trên nhiệt độ (Temperature controlled delivery system), theo đó người ta tính sản phẩm giữ ở 5 độ C thì giao 3 chuyến một tuần, 20 độ C thì 2 chuyến một ngày. Ví dụ kem để ở 5 độ C, cá 5 độ C...".

Theo GS. Masayoshi Maruyama, Trường Ðại học Kobe (Nhật Bản), sự chuyên biệt hóa cũng sẽ xảy ra và phát triển mạnh với các siêu thị tại Hà Nội trong thời gian tới

Xu hướng phát triển siêu thị trên thế giới chỉ ra rằng, các siêu thị tổng hợp có xu hướng giảm và siêu thị chuyên doanh có xu hướng tăng để hợp lí hóa nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng khi tới các siêu thị. Các hội thảo tổng kết kinh nghiệm phát triển thị trường bán lẻ trên thế giới và áp dụng vào Việt Nam trong 3 năm gần đây chỉ rõ, xu hướng ở các nước trong khu vực đang hình thành và phát triển các siêu thị chuyên doanh như: siêu thị vật liệu xây dựng, siêu thị thuốc, siêu thị cây xanh, siêu thị đồ gỗ, siêu thị hàng điện tử, siêu thị sách… Các siêu thị tổng hợp đang dần nhường chỗ cho các siêu thị chuyên doanh.

Sự phát triển nhanh của các siêu thị chuyên doanh tại Hà Nội trong 5 năm gần đây, đặc biệt là sự bùng nổ các siêu thị điện máy, nội thất, điện thoại, laptop như: Pico Plaza, Media mart, Topcare, E best, Mobi Mart… đã chứng minh điều đó. Các công ty hoạt động bán buôn trước đây cũng mở rộng sang bán lẻ chuyên doanh như: Phú Thái, Hapro, Trần Anh, Ben Plaza. Các siêu thị chuyên doanh tại TP.HCM cũng mở rộng phạm vi hoạt động ra Hà Nội như: Nguyễn Kim, HC, Viễn thông A, Thế giới di động. .. Xu hướng tiêu dùng mới đang dần thể hiện rõ, họ thích nhiều sự lựa chọn hơn để thỏa mãn nhu cầu của mình, đặc biệt là giới trẻ. Ngay cả đối với các siêu thị tổng hợp như thực phẩm cũng dần dần tạo sự chuyên biệt nhắm vào đối tượng là những người tiêu dùng cụ thể: siêu thị thực phẩm tươi sống riêng, siêu thị thực phẩm khô, siêu thị đồ đông lạnh riêng.

Siêu thị chuyên doanh là một ngành kinh doanh rất đặc thù vì nó là hỗn hợp của sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, để có thể làm hài lòng khách hàng, ngoài yếu tố chất lượng sản phẩm thì chất lượng dịch vụ cũng có tầm ảnh hưởng rất lớn đến siêu thị chuyên doanh. Hàng hóa tại các siêu thị chuyên doanh đều nhập từ cùng các nhà cung cấp, rất ít các siêu thị chuyên doanh hiện nay phát triển được nhãn hiệu riêng. Vì vậy, các siêu thị thực phẩm, siêu thị điện máy, siêu thị điện thoại di động, laptop. máy ảnh… hầu hết đều có sản phẩm giống nhau. Do đó, sự khác nhau cơ bản giữa các siêu thị chuyên doanh không phải ở hàng hóa mà ở dịch vụ. Sự cạnh tranh giữa các siêu thị chuyên doanh cũng sẽ chủ yếu dựa vào chất lượng dịch vụ.

Tweet
5/5 (0 vote)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM