Bán đồ cũ kiếm lời to nhờ: độc - lạ - rẻ

Cuộc sống ai chẳng muốn dùng toàn đồ mới, hàng hiệu, không chỉ đáp ứng nhu cầu cá nhân mà còn nâng tầm giá trị bản thân. Nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm đồng tiền đâu dễ, nhà giàu thì chẳng nói, cứ tầm tầm bậc trung lại không biết phải sắm sửa cái gì. Đang nhức đầu lo nghĩ thì nghe người ta nhỏ to thầm thì với nhau về những gian hàng đồ cũ, tò mò đi xem thử rồi “nghiện” mua đồ cũ từ khi nào. Đến những cửa hàng chẳng long lanh sáng bóng, thoang thoảng mùi cũ kĩ thế nhưng vẫn tấp nập khách ra khách vào. Đừng quá ngạc nhiên, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bí quyết bán đồ cũ kiếm lời to nhờ: độc – lạ - rẻ.

ban-do-cu-kiem-loi-to-nho-doc-la-re1

1. Bán đồ cũ: LẠ

Đồ cũ là những thứ đã qua sử dụng, nó chẳng có niên đại lâu như đồ cổ và cũng chẳng giống đồ mới vừa khui hộp. Đồ cũ có đặc điểm riêng của nó khiến người ta thích thú khi chọn mua. Không, đừng nhầm đồ cũ với đồ bỏ hay hàng đồng nát, đồ cũ hầu hết là đồ gia dụng hoặc điện máy được các hộ gia đình và những cửa hàng thanh lý khi muốn chuyển địa điểm hoặc đổi loại hình kinh doanh. Thế nên chúng vẫn có thể dùng tốt, thậm chí còn chất lượng hơn nhiều những loại đồ mới tuy đẹp mà ọp ẹp bây giờ. Nói đồ cũ độc vì nếu khéo chọn trong mớ đồ bày la liệt tại cửa hàng bạn sẽ chọn được cho mình một thứ với thiết kế lạ mắt hay đã được “mix” lại với đủ công dụng không ngờ tới. Như tôi có một anh bạn, sau gần một ngày trời lượn lờ qua các “siêu thị” đồ cũ thì rinh về được cái tủ quần áo làm bằng gỗ với cánh cửa trên bên phải thay vì mặt gương lại là màn hình tivi. Sau một hồi lọ mọ, anh cười hí hửng khoe với tôi về cái ti vi vẫn hoạt động tốt, đặt trong phòng ngủ vừa gọn vừa tiện. Hiển nhiên đồ cũ thì không thể “dzin” như đồ mới, nhưng hơi hướng hoài cổ và sự độc đáo của nó thì không phải đồ mới có được. Nhiều người chuộng dùng đồ cũ vì có thể mang về rồi gia công lại theo ý mình mà chẳng sợ xót tiền. Cũng chính vì cái sự lạ của đồ cũ ấy mà nhiều chủ hàng phải cất công đi khắp đường to ngõ nhỏ để tìm mua về rồi bán lại cho khách. Các vị khách nếu đã chọn những món đồ ấy thì chẳng tiếc chút tiền bỏ ra, vì thế dù là đồ cũ nhưng vẫn đắt hàng như thường, hàng về lúc nào là hết lúc đó.

2. Bán đồ cũ: ĐỘC

Đồ cũ cũng có món từ mấy chục năm trước, thời kì phong kiến – nửa thuộc địa hay thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Không đủ lâu để gọi là đồ cổ nhưng đủ độc để gọi là duy nhất. Những đồ cũ như vậy chủ yếu là các đồ nội thất như bàn ghế, tràng kỉ, tủ quần áo,…hoặc đồ gia dụng như xoong, chậu đồng, ấm chén,…và đồ thời chiến như quạt điện, bộ đàm, radio,…

ban-do-cu-kiem-loi-to-nho-doc-la-re2

Giữa những thứ đồ hiện đại mới bóng của đủ thương hiệu nổi tiếng, bỗng nhiên có một món đồ hoải cổ nào đó cũng tạo nên điểm nhấn trong ngôi nhà. Vì vậy không ít người thích mua đồ cũ về trang trí thêm trong phòng khách hoặc bàn làm việc của mình, chứ không nhất thiết phải sử dụng được.

3. Bán đồ cũ: Rẻ

Rẻ - Yếu tố quan trọng nhất khiến đồ cũ “hot” hơn bao giờ hết. Đa phần người ta tìm đến đồ cũ vì giá cả phải chăng mà chất lượng vẫn tốt dù hình thức có thể không long lanh lắm. Theo khảo sát của chúng tôi giá đồ cũ chỉ bằng khoảng nửa giá mới, như một tủ quần áo cao hơn 2m, rộng ba buồng làm bằng gỗ giá bình thường gần 8 triệu thì ở hàng đồ cũ giá chỉ hơn 3,5 triệu một chút. Một cái lò vi sóng giá dao động từ 600.000đ đến 1,4 triệu đồng trong khi mua mới là từ 1,2 đến 2,5 triệu đồng. Thậm chí nếu biết cách trả giá khéo bạn còn có thể mua được thấp hơn nữa. Đi mua đồ cũ, quan trọng nhất là có mắt nhìn hàng và có tay xem đồ, nếu không biết mua thì đúng là chỉ rước về toàn rác, khi đã có kinh nghiệm thì đôi khi còn hời được một món không nhỏ. Anh Nguyễn Văn Toàn kinh doanh quán cơm gần đại học Thương Mại cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Đồ điện tử, điện lạnh nên mua mới chứ đồ gia dụng nhìn tận mắt, sờ tận tay được chỉ cần chọn kỹ là ổn thì mua đồ cũ vẫn tiết kiệm hơn. Lần đầu tiên đi mua đồ cũ, tôi cũng nghĩ nó không thể bằng mới nhưng khi có kinh nghiệm lại thấy đồ cũ hay”. Thực tế giá các cửa hàng đồ cũ nhập về rồi gia công lại mỗi sản phẩm không hề cao, chỉ khoảng gần một phần ba giá gốc. Thế nên dù bán với giá rẻ nhưng chủ hàng vẫn lời to. Hơn nữa trong lúc kinh tế khó khăn như thế này người tìm mua đồ cũ ngày càng nhiều thì càng tạo điều kiện cho các cửa hàng đồ cũ ăn nên làm ra.
Tweet
5/5 (0 vote)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM